Theo chuyên gia, mặc dù vượt qua MA200, chuyên gia cho rằng VN-Index vẫn chưa sẵn sàng cho một cuộc “chạy nước rút”.
Bất chấp thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất lần thứ 4 liên tiếp, VN-Index lại phản ứng không mấy tích cực khi đảo chiều giảm trong phiên giao dịch cuối tuần.
”Chứng khoán là sự kỳ vọng, nhưng nếu kỳ vọng quá lớn sẽ rất dễ mắc sai lầm”
Bàn về động thái giảm lãi suất của NHNN, ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC ghi nhận sự nỗ lực của các cơ quan quản lý với những biện pháp hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, trên quan điểm cá nhân, vị chuyên gia đánh giá vấn đề cốt lõi với nền kinh tế trong thời điểm hiện tại là sự mất liên kết giữa các thị trường Bất động sản, Cổ phiếu, Trái phiếu, Sản xuất và những vấn đề riêng của các thị trường đó.
Do đó, trong ngắn hạn việc giảm lãi suất có thể sẽ chưa tác động tích cực đến nền kinh tế. Thực tế, trong 3 lần giảm lãi suất các chính sách đã “ngấm” dần, nhưng dường như vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể khi nền kinh tế vẫn rất yếu ở khu vực sản xuất và tổng cầu suy giảm.
Trong lý thuyết kinh tế vĩ mô, nhà đầu tư nên lưu ý một khái niệm là “Bẫy thanh khoản” – Liquidity Trap. Bẫy thanh khoản là hiện tượng trong đó chính sách tiền tệ được nới lỏng bằng biện pháp giảm lãi suất, khi lãi suất xuống thấp quá một mức nhất định mọi người sẽ giữ tài sản dưới dạng tiền mặt và chính sách tiền tệ khó phát huy tác dụng. Khi đó, việc điều tiết chu kỳ kinh tế gần như phụ thuộc vào chính sách tài khóa. Đây là một trong những lý luận của nhà kinh tế học Keynes.
“Thời điểm hiện tại, mức lãi suất của Việt Nam chưa được hạ xuống mức quá thấp và nền kinh tế cũng chưa có dấu hiệu suy thoái nặng. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên cân nhắc liệu trạng thái trên có khả năng xảy ra hay không? Cá nhân tôi cho rằng việc khắc phục sự đứt gãy giữa các thị trường và đẩy mạnh chính sách tài khóa (đầu tư công) sẽ có tác động nhiều hơn chính sách tiền tệ lúc này”, ông Huy nhận định.
Đánh giá tác động của việc giảm lãi suất đến thị trường chứng khoán, ông Huy cho rằng sau 4 lần hạ lãi suất, tâm lý kỳ vọng có thể sẽ không còn mạnh như những lần giảm đầu tiên. Mặt khác, nhà đầu tư cần nhìn số liệu để nhìn nhận chính sách tiền tệ đã “ngấm” hay chưa và hiệu quả đến mức nào.
Mặc dù có nhiều chính sách đã được ban hành, nhưng nền kinh tế có vẻ vẫn chưa có nhiều chuyển biến. PMI tháng 5 vừa qua cho thấy nền kinh tế trong nước vẫn đang rất yếu và Việt Nam là một trong số những nước hiếm hoi trong khu vực có PMI tiếp tục suy giảm. Với tình hình hiện tại, chuyên gia cho rằng đà phục hồi nền kinh tế khả năng phải đến năm 2024 mới rõ ràng.
“Chứng khoán là sự kỳ vọng, nhưng nếu kỳ vọng quá lớn so với thực tế, những kỳ vọng đó rất dễ trở thành sai lầm trong đầu tư”, chuyên gia DSC cho biết.
VN-Index chưa sẵn sàng cho “cuộc chạy nước rút”
Về xu hướng ngắn hạn của chỉ số, sau phiên điều chỉnh cuối tuần trước, ông Huy nhìn nhận các chỉ báo kỹ thuật đang nghiêng về hướng có thể tiếp tục điều chỉnh/tích lũy hơn trong giai đoạn tuần tới. Trước đó các chỉ báo đã cho thấy thị trường ở vùng quá mua và việc điều chỉnh là cần thiết. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của thị trường là 1.050 – 1.080 điểm, ngưỡng kháng cự xa hơn hiện tại quanh 1.130 điểm.
Sau khi bứt qua đường trung bình MA200, nhiều nhà đầu tư tin rằng thị trường đã xác nhận khởi động một sóng tăng mới. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng nhà đầu tư cũng cần lưu ý, trong một số trường hợp đi ngang, đường MA200 cũng thường xuyên cho ra những tín hiệu nhiễu.
Một ví dụ điển hình là giai đoạn 2019. Sau cú sập vào năm 2018, thị trường nhanh chóng hồi phục và vượt lên trên khỏi MA200 vào đầu 2019, tuy nhiên sau đó trong suốt cả năm, VN-Index chưa thể chứng kiến một sóng tăng dài hạn nào cả. Thay vào đó, chỉ số dắt ngang và cũng không ít lần cắt xuống dưới vùng MA200. Do đó, mặc dù vượt qua MA200, chuyên gia cho rằng VN-Index vẫn chưa sẵn sàng cho một cuộc “chạy nước rút”.
Với việc giữ quan điểm về thị trường trong trạng thái sideway up, chuyên gia đưa ra chiến lược chủ đạo là mua thấp bán cao. Khả năng thị trường điều chỉnh trong ngắn hạn nên việc mua mới cần được tiết chế. Mặt khác, có thể cân nhắc chốt lời, đặc biệt với các cổ phiếu nhỏ, cơ bản kém và tăng giá nhiều trong thời gian qua.
Đối với các vị thế mua mới, nhà đầu tư nên cân nhắc chỉ mua khi thị trường điều chỉnh ở các vùng nền giá để có vị thế xuất phát tốt nhất. Đặc biệt, nhà đầu tư cần lưu ý nhiều cổ phiếu đã tăng một mạch kể từ đáy tháng 11 năm ngoái nên việc kỳ vọng quá nhiều là điều nên hạn chế.
Trong kịch bản nền kinh tế phục hồi tích cực, chuyên gia DSC cho rằng các nhóm ngành theo chu kỳ như Tài chính, Bất động sản, Doanh nghiệp sãn suất… sẽ được hưởng lợi và bước vào chu kỳ tăng giá. Ngược lại, nếu đà phục hồi của nền kinh tế chậm lại, thị trường chứng khoán sẽ kém tích cực và các nhóm phòng thủ sẽ được ưu tiên.
Theo Cafef