Giá và nhu cầu tiêu thụ cao su tăng sẽ là động lực cho nhóm doanh nghiệp “vàng trắng” cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh năm 2024.
Nhiều tín hiệu khả quan
Căng thẳng ở Biển Đỏ thời gian qua được giới phân tích đánh giá có khả năng gây ra biến động trong giá cao su kỳ hạn và giao ngay. Giá cao su tự nhiên thường điều chỉnh theo giá dầu, trong khi giá dầu đang có diễn biến tăng, trong bối cảnh nhiều tàu chở dầu và khí đốt được chuyển hướng khỏi tuyến qua Biển Đỏ, làm tăng chi phí và thời gian vận chuyển. Theo đó, giá dầu đi lên kéo theo giá cao su tổng hợp tăng, bởi dầu thô là nguyên liệu đầu vào sản xuất cao su tổng hợp. Sản phẩm cạnh tranh thị phần với cao su tổng hợp là cao su thiên nhiên cũng có diễn biến giá tích cực.
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (Trung Quốc), giá cao su RSS3 gần đây dao động trong khoảng 13.700 – 13.800 nhân dân tệ/tấn, tăng 2 – 3% so với ngày 11/1/2024 và tăng 5 – 6% so với đầu tháng 12/2023.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá cao su xuất khẩu bình quân năm 2023 là 1.350 USD/tấn, giảm 12,7% so với năm 2022 và ở mức thấp nhất kể từ năm 2019. Trong đó, giá cao su xuất khẩu bình quân sang thị trường Trung Quốc là 1.331 USD/tấn, giảm 10,7%.
Trước đó, trong năm 2023, giá cao su có diễn biến giảm trong quý I, sau đó đi ngang ở mức thấp cho đến hết tháng 8, hồi phục mạnh trong quý III, điều chỉnh trong tháng 10 – 11, rồi nhích tăng trong tháng 12.
Giá cao su được hỗ trợ bởi lo ngại nguồn cung có thể bị thắt chặt khi Thái Lan – nước xuất khẩu cao su tự nhiên hàng đầu thế giới đang chịu ảnh hưởng thời tiết bất lợi, mưa dông nhiều. Bên cạnh đó, kỳ vọng ngành ô tô toàn cầu hồi phục đã thúc đẩy thị trường cao su “ấm” hơn.
Đặc biệt, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam cũng như thế giới được kỳ vọng tăng trưởng tích cực, khi nước này đang đẩy mạnh các chính sách kích thích kinh tế, kéo theo nhu cầu tiêu thụ cao su trong ngành sản xuất ô tô gia tăng.
Tại Thái Lan, nhu cầu về cao su được hỗ trợ trong dài hạn khi các nhà sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản đang lên kế hoạch đầu tư tổng cộng 4,3 tỷ USD trong 5 năm tới vào “đất nước chùa tháp”, nhằm hỗ trợ quốc gia sản xuất và xuất khẩu ô tô hàng đầu khu vực Đông Nam Á này chuyển đổi sang sản xuất xe điện.
Bối cảnh vĩ mô hỗ trợ cùng đà phục hồi của giá cao su đã có tác động tích cực lên nhóm cổ phiếu “vàng trắng” trong tuần qua, cả giá và thanh khoản được cải thiện như mã BRC của Cao su Bến Thành, mã DRC của Cao su Đà Nẵng, mã GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam…
Triển vọng lợi nhuận tăng trưởng
Việt Nam có dư địa đẩy mạnh xuất khẩu cao su, đặc biệt là sang Trung Quốc, nhờ lợi thế giá thành rẻ và nguồn cung dồi dào.
Năm 2024, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam lên kế hoạch đạt doanh thu 24.999 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.104 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.437 tỷ đồng (riêng công ty mẹ đạt 1.454 tỷ đồng), tất cả các chỉ tiêu đều cao hơn mức ước tính đạt được năm 2023.
Trong năm 2023, Tập đoàn ước tính khai thác được 445.000 tấn cao su, tăng 3,5%; tiêu thụ hơn 520.290 tấn, tăng 3,8% so với năm 2022; doanh thu hợp nhất đạt 24.485 tỷ đồng, vượt 1% kế hoạch và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 4.015 tỷ đồng, vượt 1,4% kế hoạch.
Tại Cao su Đà Nẵng, năm 2024 được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh nhờ Nhà máy Radial giai đoạn 3 đã đi vào hoạt động trong tháng 12/2023 và triển vọng đơn hàng mới đối với sản phẩm lốp PCR (dành cho xe tải, xe chở khách).
Thực tế cho thấy, nhu cầu đối với sản phẩm săm lốp có sự cải thiện từ quý III/2023, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như Brazil, Mỹ. Năm 2024 được dự báo sẽ là năm hồi phục của nguồn cung xe tại thị trường Mỹ, sau giai đoạn chuỗi cung ứng năm 2020 – 2022 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng chất bán dẫn. Sản lượng xe mới tại “xứ cờ hoa” có thể trở về mức trước dịch, đạt khoảng 3 triệu xe, gấp 3 lần so với thời điểm thiếu chip trầm trọng nhất.
Công ty Chứng khoán Vietcombank dự báo, biên lợi nhuận của Cao su Đà Nẵng sẽ được cải thiện, khi suất đầu tư của dây chuyền mới thấp hơn 50% so với trước đây, cùng với xu hướng giảm của giá nguyên vật liệu đầu vào. Năm 2024, Cao su Đà Nẵng có thể đạt doanh thu 5.710 tỷ đồng, tăng 25% và lợi nhuận sau thuế 323 tỷ đồng, tăng 43,8% so với năm 2023.
Đối với Cao su Đồng Phú (mã chứng khoán DPR), tiêu thụ cao su thiên nhiên đang có đóng góp chính vào kết quả kinh doanh. Năm 2023, sản lượng tiêu thụ giảm và mức giá bán trung bình khoảng 34 triệu đồng/tấn, thấp hơn so với kế hoạch là 38 triệu đồng/tấn, nên kết quả kinh doanh suy giảm. Kết thúc năm 2023, Cao su Đồng Phú ghi nhận doanh thu tiêu thụ cao su và dịch vụ 768,8 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 211,5 tỷ đồng, giảm lần lượt 13% và 15% so với năm 2022.
Kết quả kinh doanh năm 2024 của Cao su Đồng Phú được nhận định sẽ cải thiện nhờ giá bán cao su đang tăng. Ngoài ra, Công ty dự kiến sẽ nhận tiền đền bù từ hai dự án khu dân cư Tiến Hưng 1 và Tiến Hưng 2 tại tỉnh Bình Phước (đã có phương án bồi thường).
Theo Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, Cao su Đồng Phú sở hữu diện tích cao su hơn 16.000 ha, trong đó tại Bình Phước có hơn 9.000 ha. Tỉnh Bình Phước có kế hoạch thu hồi 2.000 ha của Cao su Đồng Phú, mức giá đền bù từ 900 triệu đồng – 1 tỷ đồng/ha. Ước tính, trong năm 2024, doanh nghiệp này sẽ nhận được khoản tiền 119 tỷ đồng từ UBND tỉnh Bình Phước cho Khu dân cư Tiến Hưng 1 và 2.
Trong khi đó, Cao su Phước Hòa (mã chứng khoán PHR) có dự án khu công nghiệp dự kiến được khai thác trong năm nay, sẽ đóng góp tích cực vào lợi nhuận. Cụ thể, Khu công nghiệp Nam Tân Uyên 3 (quy mô 345 ha) và VSIP III (quy mô 691 ha) là hai dự án được kỳ vọng sẽ được lấp đầy nhanh sau khi đưa vào khai thác, do nhu cầu thuê đất khu công nghiệp ở Bình Dương cao và có triển vọng đón làn sóng dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài sang Việt Nam. Cao su Phước Hòa đang sở hữu 32,85% vốn tại Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên và ghi nhận 20% lợi nhuận từ Khu công nghiệp VSIP III.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn