Niêm yết và đẩy mạnh huy động vốn cổ phần từng được cho là sẽ mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư, nhưng những giai đoạn như vậy dường như đã qua…
Diễn biến giá không như kỳ vọng
Đưa cổ phiếu lên sàn, đồng thời xây dựng kịch bản huy động vốn từng được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Đặc biệt, tận dụng những giai đoạn thị trường hưng phấn, một loạt doanh nghiệp đẩy mạnh chào bán cổ phiếu ra công chúng.
Tuy nhiên, trong vòng hơn 1 năm trở lại đây, mặc dù thị trường chứng khoán nhìn chung có diễn diễn biến khả quan (trừ nhịp điều chỉnh trong tháng 9 – 10/2023), nhưng hoạt động huy động vốn, phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết diễn ra lẻ tẻ, ít thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư.
Vừa qua, một số doanh nghiệp chốt danh sách cổ đông để phát hành thêm cổ phiếu, nhưng diễn biến giá cổ phiếu không như kỳ vọng của các nhà đầu tư chuyên lướt sóng ngắn hạn trong hoạt động được coi là “game” tăng vốn này.
Nhìn lại các “game” tăng vốn trên toàn thị trường trong quá khứ, giá cổ phiếu thường tăng mạnh trước khi đến hạn nộp tiền mua cổ phần phát hành thêm, tạo động lực cho nhà đầu tư thực hiện quyền mua, nộp tiền vào doanh nghiệp để hưởng chênh lệch giá.
Hiểu được câu chuyện trong “game” tăng vốn, nhiều nhà đầu tư đã tận dụng các dao động nhỏ trong thời gian ngắn để lướt sóng, tập trung mua cổ phiếu từ trước và chốt lời khi giá bật tăng, nhất là trong những phiên cuối của thời gian đăng ký đặt mua và nộp tiền mua cổ phiếu phát hành thêm.
Vậy nhưng, trong thời gian qua, kịch bản đó không diễn ra với cổ phiếu TEG của Công ty cổ phần Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (TEG Group), cổ phiếu TNH của Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên, cổ phiếu VSC của Công ty cổ phần Container Việt Nam, cổ phiếu DXG của Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh…
Cụ thể, TEG Group chốt danh sách cổ đông ngày 4/12/2023 để chào bán 48 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 1.000:659, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian đăng ký và nộp tiền mua từ ngày 14/12/2023 đến 18/1/2024. Thực tế, từ ngày 14/12/2023 đến 17/1/2024, giá cổ phiếu TEG chỉ dao động trong khoảng 9.320 – 10.000 đồng/cổ phiếu, tức dưới giá phát hành thêm.
Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên chốt danh sách cổ đông ngày 21/4/2023 để phát hành thêm 25,9 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 2:1, với giá 20.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian đăng ký và nộp tiền mua từ ngày 28/4/2023 đến ngày 29/5/2023. Thống kê giao dịch từ ngày 28/4/2023 đến 29/5/2023 cho thấy, giá cổ phiếu TNH giảm nhẹ, từ 24.610 đồng/cổ phiếu xuống 23.430 đồng/cổ phiếu. Mức giảm giá mạnh hơn nhiều khi kết thúc đợt tăng vốn: từ ngày 17/7/2023 đến 1/11/2023, giá cổ phiếu TNH giảm 29,8%, từ 24.650 đồng/cổ phiếu xuống 17.300 đồng/cổ phiếu.
Tại Container Việt Nam, ngày 18/1/2024, Công ty chốt danh sách cổ đông để chào bán cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1, tương ứng hơn 133,3 triệu cổ phiếu, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian đăng ký và nộp tiền mua từ ngày 26/1/2024 đến 18/3/2024.
Trước thời điểm chốt quyền mua cổ phiếu, từ ngày 10/7/2023 đến 17/1/2024, giá cổ phiếu VSC trên sàn chứng khoán giảm 13,9%, từ 23.800 đồng/cổ phiếu xuống 20.500 đồng/cổ phiếu.
Đối với Tập đoàn Đất Xanh, ngày 15/12/2023, doanh nghiệp chốt danh sách cổ đông để chào bán thêm hơn 101,67 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 6:1, với giá 12.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian đăng ký mua và nộp tiền từ ngày 21/12/2023 đến 15/1/2024. Trong khoảng thời gian đó, giá cổ phiếu DXG giảm nhẹ, từ 19.200 đồng/cổ phiếu xuống 18.600 đồng/cổ phiếu.
Có nhiều lý do giải thích “game” tăng vốn không còn hấp dẫn. Trong đó, theo nhà đầu tư Nguyễn Văn Tuấn, thị trường chứng khoán nhiều năm trước đây còn sơ khai, “game” tăng vốn ít có “câu chuyện phía sau”, nhưng được hỗ trợ từ yếu tố giá chào bán thấp và thị giá thường được “kích tăng” nên dễ dàng thu hút nhà đầu tư. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán dần phát triển, nhà đầu tư không còn quá quan tâm tới “game” ngắn hạn, mà quan tâm tới câu chuyện dài hạn và chất lượng doanh nghiệp hơn là diễn biến giá cổ phiếu đơn thuần, vốn chứa đựng rủi ro cao.
“Tăng vốn chỉ dựa vào việc kéo giá cổ phiếu trong ngắn hạn thường không bền vững, khi nhà đầu tư đã học được nhiều bài học, có nhiều kinh nghiệm đầu tư hơn”, ông Tuấn nói.
Cần quan tâm đến yếu tố “cơ bản và dài hạn”
Nhiều cổ phiếu trong giai đoạn nộp tiền không tăng giá, thậm chí giảm xuống dưới giá phát hành thêm, khiến game tăng vốn không còn hấp dẫn như trước.
Thị trường chứng khoán phát triển đã tạo thêm nhiều cơ hội đầu tư, nhất là cổ phiếu của các doanh nghiệp cơ bản, thích hợp để đầu tư giá trị, vừa hưởng cổ tức hàng năm, vừa ghi nhận lợi nhuận từ xu hướng tăng giá trong dài hạn.
Đối với doanh nghiệp, việc niêm yết giúp huy động hiệu quả hơn nguồn lực của xã hội, qua đó đẩy mạnh đầu tư, sản xuất – kinh doanh, mở rộng hoạt động, nhất là những giai đoạn nguồn vốn giá rẻ để tận dụng các cơ hội kinh doanh.
Khi nhắc tới sự thành công của việc niêm yết và huy động vốn, Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) thường được nêu tên. Tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, hoạt động trong lĩnh vực cơ điện lạnh, nhờ huy động được các nguồn vốn thông qua thị trường chứng mà REE thực hiện nhiều thương vụ M&A hiệu quả trong các lĩnh vực mới như cấp nước, sản xuất điện, bất động sản, tạo ra dòng tiền ổn định từ hoạt động cấp nước, bán điện, cho thuê văn phòng…
Ngược lại, có những doanh nghiệp huy động nguồn vốn giá rẻ thông qua thị trường chứng khoán nhưng sử dụng không hiệu quả như trường hợp Công ty cổ phần SAM Holdings (SAM). Trong đó, doanh nghiệp chủ yếu “sa lầy” ở lĩnh vực bất động sản, với nhiều dự án chậm tiến độ kéo dài.
Theo nhà đầu tư Nguyễn Văn Tuấn, thị trường chứng khoán hiện có nhiều doanh nghiệp niêm yết, không thiếu cơ hội đầu tư, bao gồm cơ hội trong các đợt tăng vốn. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên phân tích kỹ lưỡng trước khi tham gia ‘game’ tăng vốn, bởi không phải doanh nghiệp nào cũng biết sử dụng hiệu quả đồng vốn của cổ đông, đó là chưa kể rủi ro khi có các đối tượng lợi dụng việc này để kích giá rồi xả hàng.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn