Với diễn biến thị trường vừa trải qua đợt điều chỉnh giảm mạnh khiến phần lớn nhà đầu tư đang “kẹp” trên sàn, các chuyên gia sẽ chỉ ra chiến lược đầu tư hợp lý trong giai đoạn này.
TTCK lại tiếp tục trải qua một tuần rung lắc mạnh ở mức thấp nhất là 1.138 điểm, chỉ số VN-Index kết phiên cuối tháng 9 ở mốc 1.154 điểm, giảm gần 39 điểm, tương đương 3,26% so với tuần trước. Thanh khoản cũng ghi nhận giảm mạnh khi có những phiên tổng giá trị giao dịch chỉ đạt 13.000 tỷ đồng. Đâu là góc nhìn của ông bà về TTCK trong tháng mới, gần hơn là tuần đầu của tháng 10?
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Với việc để thủng vùng hỗ trợ 1.170 điểm, xu thế tăng điểm ngắn hạn trước đó đã chính thức kết thúc. Sự hồi phục từ giữa tuần trước tạo hy vọng về 1 điểm cân bằng cho thị trường trong ngắn hạn, tuy nhiên tôi không đánh giá cao sự bền vững của điểm cân bằng này.
Do vậy, tôi đánh giá tháng 10 sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn là cơ hội cho nhà đầu tư lướt sóng. Sự giằng co có thể diễn ra trong tuần đầu của tháng 10, dù áp lực bán hiện tại là không cao nhưng lực cầu yếu sẽ khó giúp thị trường đảo ngược xu thế.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích CTCK Smart Invest
TTCK đã tăng một thời gian tương đối dài tính từ tháng 11/2022 do vậy về cơ bản mặt bằng định giá cổ phiếu đã không còn rẻ mà chỉ ở mức hợp lý.
Do ở vùng định giá hợp lý trong bối cảnh cổ phiếu đã tăng giá từ 50% – 100% nên chỉ cần một tín hiệu không tốt về vĩ mô cũng tạo ra áp lực chốt lời đối với thị trường. Chúng ta thấy việc NHNN vừa hút tín phiếu khoảng 100k tỷ nhằm ổn định tỷ giá đã khiến áp lực bán gia tăng và thị trường điều chỉnh hơn 8%. Sự điều chỉnh này theo quan điểm của chúng tôi cũng là cần thiết nhằm giúp thị trường bớt nóng.
Chỉ số VN-Index giao dịch tạo thành mô hình hai đỉnh và hiện tại đang dừng ở khu vực hỗ trợ (quanh đỉnh cũ tháng 1/2023) và đây là lý do chính khiến thị trường thu hẹp về thanh khoản. Với bên mua họ đang phân vân rằng VN-Index là mô hình hai đỉnh và có thể rơi thêm nữa. Sự phục hồi ngắn hạn chỉ là quãng nghỉ nên họ chưa mạnh dạn mua vào. Còn với bên bán họ đang thấy chỉ số ở vùng hỗ trợ và nếu không có áp lực giải chấp họ dừng lại quan sát.
Xu hướng trong tuần đầu tiên của tháng 10 có lẽ vẫn tiếp tục xu hướng như vậy. Có nghĩa là VN-Index vẫn có thể đi ngang tăng điểm nhưng thanh khoản sẽ thu hẹp lại. Vùng kháng cự là 1.080 – 1.200 điểm (Khu vực kháng cự động MA(20) và MA(50) và hỗ trợ hiện tại là 1.130 điểm). Chúng tôi lưu ý rằng nếu giá phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 1.130 điểm, có thể thị trường xuất hiện một đợt bán mạnh thứ 2. Do vậy mua việc vào nhà đầu tư nên thận trọng chờ tín hiệu xác nhận rõ ràng hơn đặc biệt ở ở chiều tăng cần có sự gia tăng của khối lượng xác nhận.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng phân tích, CTCK Agribank (AGR)
Sự sụt giảm trong tuần vừa rồi theo tôi là hệ quả của việc đã tăng giá liên tục trong giai đoạn trước đó khiến nhiều nhóm cổ phiếu rơi vào trạng thái định giá đắt đỏ. Các tác nhân gây giảm điểm được đề cập không phải là mới, nhưng xuất hiện cộng hưởng và được suy diễn thái quá khiến nhiều nhóm cổ phiếu bị bán tháo.
Quan sát 2 phiên cuối tuần vừa rồi có thể thấy thị trường đã dần đi vào trạng thái ổn định hơn và đang tích lũy để chờ đợi các thông tin tiếp theo. Trong tuần tới khả năng thị trường sẽ đi ngang với với thanh khoản thấp và có những phiên giao dịch tăng giảm xen kẽ. Mức độ biến động từng phiên có thể lớn và phân hóa rõ nét giữa các nhóm cổ phiếu.
Xa hơn về thị trường tháng 10 thì câu chuyện kết quả kinh doanh quý III cũng như tiến độ triển khai đầu tư công và sự hiệu quả của các chính sách hỗ trợ nền kinh tế sẽ là chủ đạo. Xét nền cùng kỳ thấp năm 2022 thì sẽ có nhiều nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh tăng tốt trong quý III này và nâng đỡ thị trường. Tôi dự báo thị trường cuối tháng 10 đóng cửa trong vùng 1.200 điểm.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
Xu hướng ngắn hạn nhìn chung vẫn còn tiêu cực (dù trung dài hạn vẫn là tích cực). Việc USDX tăng quá mạnh ảnh hưởng xấu đến chứng khoán quốc tế do giới đầu tư thất vọng khi các NHTW lớn như FED, ECB vẫn duy trì chính sách thắt chặt để giữ kỷ nguyên “tiền đắt” lâu hơn dự kiến. Fed cho rằng, lãi suất tới 2026 vẫn cao hơn mức “trung tính”.
Bên cạnh đó, thị trường tăng 8 tháng liên tiếp vào Top kênh tốt nhất 2023 cũng khiến động thái chốt lời mạnh hơn. Do đó, trong ngắn hạn thị trường có thể có sự phục hồi nhưng tạm thời chưa quay trở lại xu hướng tăng trưởng như nửa đầu năm.
Ông Phan Dũng Khánh |
Margin liệu có phải là một trong những tác nhân tác động đến pha đảo chiều của thị trường? Ông/bà đánh giá như thế nào về tác động call margin đến thị trường, hiện tượng Force sell đã diễn ra như thế nào ở những phiên vừa qua?
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Trong quá khứ, hoạt động call margin đã có những tác động mang tính cộng hưởng rất lớn, tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, hệ thống quản trị rủi ro của hầu hết các công ty chứng khoán đã có sự thay đổi. Chính vì vậy, hoạt động force-sell thời gian gần đây là có diễn ra, nhưng tác động tới thị trường là khá nhỏ và không mang tính quan trọng để có thể thay đổi xu hướng.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích CTCK Smart Invest
Về vấn đề margin, xét yếu tố lịch sử, VN-Index cũng thường điều chỉnh khi dư nợ margin/vốn hóa thị trường đạt mức 2,4 – 2,6%. Nên đầu tiên nó cũng là yếu tố mang tính lịch sử mà chúng ta chưa có sự khác biệt mới.
Về giải chấp margin, chúng tôi cho rằng hoạt động bán vừa qua chưa phải do công ty chứng khoán bán mà chủ yếu yếu liên quan tới hoạt động bán của Shadow Banking (Các bên cho vay thứ 3 khác ngoài công ty chứng khoán).
Với công ty chứng khoán, hoạt động Fore sell có lẽ chỉ diễn ra nếu VN-Index có đợt giảm nữa.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng phân tích, CTCK Agribank (AGR)
Hiện tượng call margin thường gặp khi thị trường trải qua các phiên giảm điểm biên độ lớn. Quan sát diễn biến thị trường có thể thấy đã có tình trạng call margin ở một số mã cổ phiếu tăng nóng, tuy nhiên chưa diễn ra trên diện rộng. Thực tế, nhiều CTCK quản trị rủi ro không chỉ đơn thuần theo tỷ lệ cho vay mà theo các mức giá chặn dựa trên định giá nội tại cổ phiếu.
Áp lực force sell đã xảy ra nhưng có thể đến từ các hoạt động ủy thác/vay kho từ các đội nhóm với tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao hơn là từ các công ty chứng khoán. Dư nợ margin thời điểm này không quá căng, vẫn thấp hơn tương đối so với mức đỉnh trong khi tiềm lực tài chính của các CTCK đã gia tăng đáng kể trong các năm vừa rồi.
Tuy nhiên, yếu tố rủi ro là thị trường đã tăng điểm khá nhanh và mạnh trong thời gian ngắn. Chính điều này khiến cho thị trường trở nên nhạy cảm và mong manh trước các yếu tố tác động bên ngoài như cắt giảm margin, FED tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ…
Thông thường, sau 2 phiên giảm điểm mạnh sẽ kích hoạt dòng tiền bán dựa trên các chỉ báo kỹ thuật và để phòng ngừa trước khi bị các CTCK “call margin”, vì vậy có thể là một trong những tác nhân tác động đến pha đảo chiều của thị trường.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
Động thái này chưa nhiều do các CTCK đã chuẩn bị trước và chủ động cắt giảm trước đó. Trừ khi thị trường giảm sâu hơn còn không vẫn nằm trong sự kiểm soát. Lý do chính nằm ở câu 1.
Dòng tiền có chiều hướng bán chốt lời mạnh khỏi tất cả các nhóm ngành, trong đó mạnh nhất tại nhóm ngành Bất động sản, Hóa chất và Dịch vụ chứng khoán. Mặt khác nhóm ngành vốn hóa lớn khác là Ngân hàng tuy chịu áp lực giảm theo thị trường chung, lại có sự phân hóa và gia tăng nhẹ. Dòng tiền sẽ có xu hướng phân hoá như thế nào, khi mà các doanh nghiệp sắp đến kỳ công bố báo cáo tài chính quý III/2023, theo các ông/bà?
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Nhóm cổ phiếu Bất động sản, Hóa chất và Dịch vụ chứng khoán đã có quãng thời gian tăng trưởng khá nóng gần đây, nhiều cổ phiếu ghi nhận mức tăng từ vùng đáy gấp nhiều lần do đó khi có tín hiệu đảo chiều chắc chắn áp lực chốt lời sẽ rất lớn. Trong khi đó nhóm Ngân hàng có sự tăng trưởng thấp so với mặt bằng chung nên sẽ ít bị tác động tiêu cực hơn. Đó là lý do chính, chứ không phải do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh quý III.
Theo tôi, trước mùa báo cáo kết quả kinh doanh thì việc lựa chọn dòng Ngân hàng và các ngành được dự báo có kết quả kinh doanh tốt sẽ là lựa chọn hợp lý hơn.
Ông Dương Hoàng Linh |
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích CTCK Smart Invest
Xu hướng phân hóa sẽ tiếp tục khi kỳ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý III sắp tới. Nhà đầu tư sẽ có cơ hội đánh giá lại những kỳ vọng của họ về sự phục hồi kết quả kinh doanh cũng như triển vọng trong tương lai. Bất kỳ tín hiệu nào bất lợi so với kỳ vọng trước đó sẽ khiến giá cổ phiếu suy giảm. Trường hợp giảm có thể cũng diễn ra với giá cổ phiếu đạt kỳ vọng (Tin ra là bán).
Về kỳ vọng, những tháng cuối năm sẽ đặt vào nhóm xuất khẩu như thủy sản, dệt may, logistic, bán lẻ, hóa chất với triển vọng phục hồi tốt hơn.
Với các NHTM, người ta sẽ chú ý tới chất lượng tài sản trong đó sự gia tăng của nợ xấu đã giảm hay chưa và tỷ lệ trích lập dự phòng…
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng phân tích, CTCK Agribank (AGR)
Theo tôi thị trường sẽ tiếp tục phân hóa vào những cổ phiếu của doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng cao so cùng kỳ 2022, và những cổ phiếu hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của chính phủ (đầu tư công, giảm lãi suất, các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản…).
Tuy nhiên, lưu ý là dòng tiền sẽ đảo lớp nhanh, mang tính ngắn hạn là chính vì những nhóm cổ phiếu này thiên về đầu cơ. Đối với ngân hàng thì lưu ý tăng trưởng tín dụng quý III thấp có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận, tuy nhiên vẫn có thể duy trì mức giá ổn định nhờ quy mô vốn hóa và sự nắm giữ của các cổ đông lớn, mang tính dẫn dắt thị trường.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
Xu hướng chung của thị trường còn xấu nên khó có sự phân hóa rõ nét mà chủ yếu ở vài nhóm cổ phiếu trong thời gian ngắn. Khả năng phân hóa tăng dần lên vào cuối năm.
Trong bối cảnh ảm đạm của thị trường chứng khoán Việt Nam, các yếu tố vĩ mô quan trọng như việc tỷ giá USD/VND tăng cao hay môi trường xuất khẩu nhộn nhịp trở lại đang gián tiếp khiến cho một số doanh nghiệp Việt Nam được hưởng lợi. Bằng chứng là nhiều cổ phiếu liên quan đến các doanh nghiệp xuất khẩu như ngành dệt may, thủy sản…vẫn ghi nhận tăng điểm, đi ngược với xu hướng chung của thị trường, mặc dù chuyển động thực tế tại DN chưa có nhiều đột phá. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về “sức bền” của nhóm DN liên quan đến hoạt động xuất khẩu?
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Khi Việt Nam mở rộng tham gia các hiệp định thương mại thì chắc chắn các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động xuất khẩu sẽ được hưởng lợi, tuy nhiên khi lựa chọn nhóm doanh nghiệp này cần có sự phân tích kỹ từng ngành nghề cụ thể để đánh giá cơ hội. Không phải doanh nghiệp nào liên quan đến xuất khẩu cũng hưởng lợi, thậm chí nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh có phần thụt lùi do đó nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp mình quan tâm.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích CTCK Smart Invest
Theo dõi dữ liệu thì chúng ta thấy rằng từ tháng 5 hoạt động xuất khẩu bằng đầu ghi nhận sự phục hồi và những ngành kể trên thậm chí đã có 2 – 3 tháng xuất khẩu tiến về sát mức trung bình của năm 2022. Do vậy, việc tỷ giá mất giá trong thời gian qua thì kỳ vọng về sự phục hồi cũng tăng lên là điều dễ hiểu (Bởi hàng hóa Việt Nam sẽ tăng thêm tính cạnh tranh).
Ngoài ra, quy trình giảm giá hàng tồn kho giá cao cũng đã kết thúc từ tháng 6 và giá đầu vào của các doanh nghiệp này cũng đang ở mức thấp có thể tạo kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng phân tích, CTCK Agribank (AGR)
Ông Nguyễn Anh Khoa |
Các doanh nghiệp xuất khẩu nhìn chung gặp nhiều khó khăn từ đầu năm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới. Tuy nhiên, các tháng cuối năm nay thị trường xuất khẩu có thể sẽ hồi phục trở lại do lượng hàng tồn kho giảm tại các nước đối tác cũng như đã xuất hiện các tín hiệu tích cực hơn từ kinh tế vĩ mô thế giới.
Bên cạnh yếu tố về sản lượng thì mức giá nhiều hàng hóa cũng đã tăng trở lại giúp biên lợi nhuận nhiều ngành nghề được cải thiện. Tuy nhiên, cũng tùy ngành nghề có sự hồi phục hoặc vẫn đang khó khăn.
Về ngắn hạn thì có thể từ quý IV này sẽ phản ánh vào kết quả kinh doanh và giúp diễn biến giá cổ phiếu tích cực, tuy nhiên xét về trung dài hạn thì tôi đánh giá trung lập xét về định giá vì đã tăng tương đối cao từ đầu năm, trong bối cảnh kết quả kinh doanh không mấy tích cực.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
Yếu tố nội tại cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định mang tính bền vững. Việc hưởng lợi này chỉ mang tính ngắn hạn và chỉ tác động tốt hơn khi các doanh nghiệp này tận dụng được lợi thế trên, còn về lâu dài hoạt động của họ không được cải thiện thì giá cổ phiếu cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Nhiều CTCK khuyến nghị nhà đầu tư nên chọn mua ở những phiên điều chỉnh giảm, nhưng phần lớn nhà đầu tư cũng đang “kẹp” trên sàn. Vậy đâu là chiến lược hợp lý ở giai đoạn này, theo các ông/bà?
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Như tôi đã đánh giá, rủi ro tiềm ẩn sẽ cao hơn là cơ hội đối với việc lướt sóng ngắn hạn trong tháng 10, do vậy nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỷ trọng danh mục ở ngưỡng an toàn trong giai đoạn này. Không nên mở vị thế mua thêm vào thời điểm này khi thị trường chung không thuận lợi, bởi kể cả các ngành tốt hay doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tích cực cũng vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi xu thế chung, chọn thời điểm quan trọng hơn là chọn cổ phiếu.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích CTCK Smart Invest
Lời khuyên của các công ty chứng khoán chỉ có ý nghĩa tham khảo. Chiến thuật hành xử với danh mục nhà đầu tư như nào phụ thuộc vào phương pháp giao dịch, tâm lý, kỷ luật trong quản trị rủi ro của từng nhà đầu tư.
Ông Vũ Duy Khánh |
Về cơ bản, theo quan điểm của chúng tôi, không có mẫu số chung cho sự tư vấn này. Với nhà đầu tư ngắn hạn, lướt sóng, chúng ta cần tuân thủ kỷ luật cắt lỗ. Tránh trường hợp khi mua chúng ta ở vị thế nhà đầu cơ những khi thị trường giảm chúng ta nói về câu chuyện đầu tư. Đó không phải là phương pháp giao dịch đúng.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng phân tích, CTCK Agribank (AGR)
Trường hợp nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao thì có thể giải ngân một số cổ phiếu nhóm VN30, đầu ngành tại các nhịp điều chỉnh vì xu hướng trung dài hạn theo tôi vẫn là tăng điểm.
Đối với nhà đầu tư đang trong trạng thái thua lỗ và có tỷ trọng cổ phiếu cao thì nên ưu tiên nhiều hơn vào cơ cấu lại danh mục đầu tư, đưa danh mục về mức cân bằng tiền – cổ phiếu vì dự báo thị trường sẽ tiếp tục có những phiên tăng/giảm xen kẽ với biên độ mạnh. Nên ưu tiên hạ hết dư nợ margin và bán những cổ phiếu midcap, penny, nhất là những cổ phiếu đã tăng giá nhiều giai đoạn trước đó để lấy room cho nhóm bluechip đầu ngành.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
Nhà đầu tư trung dài hạn có thể tích lũy dần các cổ phiếu chiến lược của mình ở những vùng hỗ trợ (không margin).
Theo tinnhanhchungkhoan.vn