Đi vào hoạt động từ năm 2015, Bách Hóa Xanh được kỳ vọng là động lực tăng trưởng mới của Thế Giới Di Động. Tuy nhiên, nếu xét riêng về khía cạnh lợi nhuận, mảng này lại là gánh nặng lớn nhất.
MWG:
Giá hiện tại
Thay đổi
Xem hồ sơ doanh nghiệp
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG), CTCP Thương mại Bách Hóa Xanh (BHX) tiếp tục lỗ thêm gần 659 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Như vậy, mảng bách hóa tiếp tục lỗ hơn 300 tỷ trong quý 2 vừa qua sau khi đã lỗ gần 354 tỷ đồng trong quý đầu năm.
Đi vào hoạt động từ năm 2015, Bách Hóa Xanh được kỳ vọng là động lực tăng trưởng mới của Thế Giới Di Động. Tuy nhiên, nếu xét riêng về khía cạnh lợi nhuận, mảng này lại là gánh nặng lớn nhất. Luỹ kế giai đoạn từ 2016 đến nay, Bách Hóa Xanh lỗ hơn 8.053 tỷ đồng, trong đó 7.854 tỷ còn có thể chuyển lỗ sang năm sau để bù trừ lợi nhuận (trong vòng 5 năm kể từ ngày phát sinh khoản lỗ).
Dù chưa thể có lãi nhưng một vài tín hiệu tích cực hơn cũng đã xuất hiện đối với mảng kinh doanh này của Thế Giới Di Động. Điển hình như việc khoản lỗ đã được thu hẹp so với quý trước dù con số không quá lớn. Thêm nữa, Bách Hóa Xanh vẫn duy trì được tăng trưởng doanh thu qua từng tháng.
Trong tháng 6, mảng bách hoá đem về doanh thu 2.530 tỷ đồng, chiếm hơn 24% tỷ trọng, tiếp tục tăng 9% so với cùng kỳ và 3% so với tháng 5 liền trước. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp trong năm 2023 doanh thu từ Bách Hóa Xanh vượt chuỗi Thế Giới Di động. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu chuỗi Bách hóa Xanh tăng 7% so với cùng kỳ lên 13.600 tỷ đồng.
Tăng trưởng chủ yếu đến từ số lượng hoá đơn mua hàng tăng, bao gồm cả hút thêm khách hàng mới và cải thiện tần suất mua hàng của khách hàng hiện hữu. Doanh thu bình quân trên mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh trong tháng 6 đạt 1,45 tỷ đồng/cửa hàng và dự kiến tiếp tục cải thiện trong tháng 7.
Theo SSI Research, mảng bách hóa đang dần cải thiện bất chấp tâm lý thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng. Tận dụng dữ liệu từ ứng dụng khách hàng, Thế Giới Di Động sẽ tiếp tục điều chỉnh danh mục sản phẩm và nâng cao chất lượng thực phẩm tươi sống để thu hút khách hàng mới, từ đó cải thiện doanh thu và tỷ suất lợi nhuận. Mục tiêu tăng SKU hàng tươi sống là hướng đi đúng đắn cần theo đuổi để đạt điểm hòa vốn.
Tuy nhiên, SSI Research cho rằng mục tiêu có lãi mảng hách hóa khó đạt được trong năm nay do người tiêu dùng có thể thích mua sắm ở chợ truyền thống hơn khi thu nhập bị giảm. Với giả định doanh thu/tháng/cửa hàng tiếp tục cải thiện dần (2% mỗi tháng) trong 1-2 năm tới, mảng bách hóa được kỳ vọng sẽ đạt điểm hòa vốn (tương ứng doanh thu/cửa hàng đạt 1,7 tỷ đồng/tháng) trong năm 2024 và có lợi nhuận ròng dương cho năm 2025.
Tương tự, VDSC dự báo lỗ ròng của Bách Hóa Xanh sẽ thu hẹp đáng kể 66% so với cùng kỳ trong năm 2023. Doanh thu trên mỗi cửa hàng của chuỗi sẽ tăng trưởng 16% trong năm 2023 và kỳ vọng chuỗi cửa hàng sẽ đạt điểm hòa vốn trong nửa đầu năm 2024.
Thận trọng hơn, VCBS cho rằng Thế Giới Di Động sẽ cần thêm thời gian để chứng minh được hiệu quả của chiến lược kinh doanh mới cũng như khả năng đưa chuỗi Bách Hóa Xanh đến điểm hòa vốn trong 2024. Tuy nhiên, VCBS đánh giá những gì xấu nhất về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này đã được phản ánh trong quý đầu năm.
Ngoài Bách Hóa Xanh, MWG (Cambodia) Co.Ltd và chuỗi nhà thuốc An Khang đều lỗ tính thuế trong 6 tháng đầu năm, lần lượt 94,5 tỷ và 150,6 tỷ đồng. Lợi nhuận của Thế Giới Di Động chủ yếu vẫn đến từ mảng ICT&CE. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng đang gặp khó khi mảng điện thoại, thiết bị điện tử đang vấp phải cạnh tranh gay gắt trong cuộc chiến giá rẻ còn mảng điện máy đã có phần bão hoà.
Quý 2 vừa qua, Thế Giới Di Động ghi nhận doanh thu thuần đạt 29.465 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cao hơn gần 9% so với quý trước. Dù vậy, biên lãi gộp lại tiếp tục bị thu hẹp xuống chỉ còn 18,5% so với mức 21,4% cùng kỳ năm ngoái và 19,2% trong quý trước.
Sau khi trừ các chi phí, Thế Giới Di Động lãi ròng vỏn vẹn 17 tỷ đồng trong quý 2, giảm 98% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp nhất kể từ khi lên sàn chứng khoán năm 2014.
Thế Giới Di Động giữa cuộc chiến giá rẻ: Lợi nhuận “bốc hơi” 98% xuống thấp kỷ lục, lượng tiền nắm giữ lên hơn 1 tỷ USD, cao nhất lịch sử
Theo Cafef