Mùa công bố báo cáo soát xét bán niên năm nay ghi nhận nhiều trường hợp chênh lệch lớn về số liệu so với báo cáo doanh nghiệp tự lập.
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã HBC) vừa công bố báo cáo soát xét bán niên 2023 với khoản lỗ lên tới 713,21 tỷ đồng, nâng tổng lũy kế của doanh nghiệp tại thời điểm cuối tháng 6 lên gần 2.813 tỷ đồng. Trước đó, báo cáo tài chính tự lập của doanh nghiệp cho thấy bức tranh kinh doanh tích cực với khoản lãi 101,52 tỷ đồng. Kiểm toán viên cũng nhấn mạnh về “sự tồn tại yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Xây dựng Hoà Bình”.
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) bị kiểm toán điều chỉnh giảm 5% lợi nhuận sau thuế 6 tháng so với báo cáo tự lập, xuống 285,2 tỷ đồng. Kiểm toán cũng đưa ý kiến nhấn mạnh về khoản lỗ luỹ kế của HAG là hơn 2.959,4 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6/2023, nợ ngắn hạn của doanh nghiệp cũng vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 2.004 tỷ đồng. “Các điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của HAG”, báo cáo viết.
Lợi nhuận sau thuế của CTCP Tập đoàn F.I.T (mã FIT) còn gần 33 tỷ đồng sau soát xét, tương ứng mức giảm 87% so với báo cáo tự lập. FIT cho biết, nguyên nhân là do điều chỉnh các bút toán hợp nhất kinh doanh trong nửa đầu năm. Trong đó, tác động lớn nhất là việc huỷ các bút toán hợp nhất đánh giá lại khoản đầu tư đang là công ty liên kết.
Tại CTCP Bóng đèn Điện Quang (mã DQC), sau soát xét, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm chỉ còn hơn 1,7 tỷ đồng, giảm 55,7% so với báo cáo tự lập là 3,9 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, lợi nhuận sau thuế tại báo cáo riêng của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (mã PLX) tăng hơn 67 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, lên hơn 649 tỷ đồng; còn trên báo cáo hợp nhất tăng 41,67 tỷ đồng, lên 1.558,57 tỷ đồng. CTCP Tập đoàn Đại Dương (mã OGC) lãi thêm 26 tỷ đồng sau soát xét, ghi nhận 44 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất. CTCP Đầu tư và phát triển y tế Việt Nhật (mã JVC) cũng có lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng gần 8% sau soát xét, lên hơn 19 tỷ đồng, do giá vốn và chi phí quản lý doanh nghiệp được điều chỉnh giảm.
Hay Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (mã KBC) có lợi nhuận sau thuế tăng 16% so với trước kiểm toán, từ 1.651 tỷ đồng lên 1.920 tỷ đồng, do doanh thu điều chỉnh tăng 6% và chi phí quản lý trong kỳ điều chỉnh giảm 27%…
Nhìn nhận về tình trạng nhiều báo cáo tài chính có biến động lớn sau soát xét trong năm nay, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, sự sai lệch trước và sau kiểm toán của doanh nghiệp nếu ít còn có thể chấp nhận được, nhưng nếu sai lệch lớn thì cần phải xem lại.
Đáng chú ý, trong mùa công bố soát xét báo cáo bán niên năm nay, cũng có một số doanh nghiệp từng bị “điểm danh” về việc báo cáo tài chính có biến động lớn sau kiểm toán/soát xét như HAG, DQC, OGC, JVC…
Báo cáo tài chính là một trong những căn cứ quan trọng cho quyết định của nhà đầu tư, do vậy, dù số liệu tài chính, đặc biệt là lợi nhuận của doanh nghiệp trên báo cáo tài chính do doanh nghiệp tự lập tăng hay giảm so với báo cáo soát xét/kiểm toán đều gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Năm 2020, sau khi phát hiện CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (mã CII) có sai lệch về số liệu các chỉ tiêu doanh thu, chi phí và lợi nhuận sau thuế so với báo cáo riêng, hợp nhất năm 2019 được kiểm toán, Thanh tra Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định xử phạt 85 triệu đồng với doanh nghiệp này.
Tương tự, năm 2022, CTCP VKC Holdings (mã VKC) cũng bị phạt 150 triệu đồng do công bố thông tin sai lệch chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2022. Những án phạt này được coi là động thái xử lý mạnh tay của cơ quan nhà nước đối với các trường hợp sai lệch lớn trong báo cáo tài chính. Tuy vậy, qua mỗi kỳ công bố báo cáo kiểm toán năm và soát xét bán niên, số lượng doanh nghiệp có chênh lệch số liệu vẫn còn rất nhiều, ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường cũng như niềm tin của nhà đầu tư.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn