Mặc dù áp lực bán gia tăng mạnh trên diện rộng khiến thị trường tiếp tục lùi sâu, nhưng nhóm cổ phiếu chứng khoán đã ngược dòng thành công với điểm sáng là VCI xác nhận mức giá cao nhất trong 9 tháng.
Không nằm ngoài nhận định của giới phân tích, thị trường nhanh chóng đảo chiều giảm điểm sau thời gian ngắn mở cửa hồi phục sắc xanh. Áp lực bán càng gia tăng và lan rộng hơn trong nửa cuối phiên sáng, đã khiến VN-Index lùi sâu và khép lại phiên sáng thủng mốc 1.110 điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường khá nỗ lực để “vá” lại ngưỡng 1.110 điểm nhưng bất thành. Lực bán tiếp tục tăng mạnh hơn trong đợt khớp lệnh ATC đã đẩy VN-Index về vùng giá thấp nhất ngày.
Thị trường kết phiên trong trạng thái khá tiêu cực khi số mã giảm điểm gần gấp 3 lần số mã tăng, chỉ số VN-Index mất gần 10 điểm và ngưỡng 1.105 điểm đã đóng vai trò hỗ trợ cho thị trường. Đáng chú ý là thanh khoản thị trường sụt giảm khá mạnh phiên sôi động cuối tuần trước ngày 16/6, xuống dưới mức 15.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu bất động sản có sự phân hóa đáng kể. Trong khi các mã đầu tư công vẫn ngược dòng khởi sắc dù không giữ được đà tăng mạnh mẽ như phiên sáng như LCG tăng 3,5%, VCG tăng 2,53%, HHV tăng 1,1% với thanh khoản đều đạt trên 10 triệu đơn vị; thì ở top vừa và nhỏ chịu áp lực bán mạnh mẽ, đặc biệt là các mã lớn.
Điển hình như NVL giảm hơn 6% xuống mức giá thấp nhất trong ngày 14.000 đồng/CP, với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt hơn 67,22 triệu đơn vị. Ngoài ra, PDR giảm 4,2%, HQC giảm 3,9%, LDG giảm 4%, DRH giảm 5,5%, SCR giảm 3,1%, HPX giảm 4,5%…
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chủ yếu giao dịch trong sắc đỏ, trong đó, anh cả VCB tiếp tục là gánh nặng chính của thị trường khi giảm 3,14%; ngoài ra, TCB, HDB, EIB, BID giảm khoảng 1%… Ngoại trừ TPB, CTG, SHB ngược dòng thành công, với điểm sáng là SHB tăng tốt nhất ngành là 1,6%, đóng cửa tại mức 12.800 đồng/CP, thanh khoản chỉ thua NVL với hơn 39,1 triệu đơn vị khớp lệnh.
Nhóm cổ phiếu thép cũng trong xu hướng chung, trong đó bộ 3 gồm HPG, HSG, NKG cùng đóng cửa trong sắc đỏ, với HPG giảm ít nhất khi chỉ mất 0,4% và thanh khoản tốt nhất ngành, đạt hơn 13,18 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán dù không còn giữ phong độ như phiên sáng nay nhưng vẫn là một trong những nhóm ngược dòng thị trường thành công. Trong đó điểm sáng là cổ phiếu VCI tiếp tục nới rộng biên độ khi kết phiên tăng 4,42% lên mức 36.650 đồng/CP, đây là mức giá cao nhất của mã này trong 9 tháng qua. Đồng thời, thanh khoản của VCI cũng sôi động với hơn 8 triệu đơn vị.
Ngoài ra, mã SSI cũng hỗ trợ tốt giúp dòng chứng khoán khởi sắc khi đóng cửa tăng 1,1% lên mức 26.400 đồng/CP, thanh khoản thuộc top 10 mã dẫn đầu thị trường với hơn 15 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công, đồng thời đứng thứ 2 của ngành, sau VND khớp lệnh 28,66 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng đóng cửa trong sắc xanh nhạt, với PVD tăng 0,63%, PVS tăng 1,23%, PVB tăng 6,42%, PVC tăng 0,56%.
Chốt phiên, sàn HOSE có 113 mã tăng và 315 mã giảm, VN-Index giảm 9,82 điểm (-0,88%), xuống 1.105,4 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 811,3 triệu cổ phiếu, giá trị 14.317,12 tỷ đồng, giảm 30,17% về khối lượng và 36,16% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 16/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 87,69 triệu đơn vị, giá trị 1.852,58 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, sắc đỏ cũng bao phủ trên diện rộng thị trường, đẩy chỉ số chung về vùng giá thấp trong phiên.
Đóng cửa, sàn HNX có 59 mã tăng và 125 mã giảm, HNX-Index giảm 1,93 điểm (-0,84%), xuống 226,52 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 127,55 triệu đơn vị, giá trị 1.909,83 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,62 triệu đơn vị, giá trị 146,54 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu nhà Apec vẫn chịu áp lực bán tháo mạnh. Trong đó, bộ 3 cổ phiếu gồm IDJ, APS, API đều đóng cửa nằm sàn, với IDJ và API dư bán sàn trên dưới 1 triệu đơn vị. Tuy nhiên, bộ 3 cổ phiếu này vẫn có thanh khoản khá tốt, với IDJ và APS cùng khớp hơn 11 triệu đơn vị, API khớp hơn 5 triệu đơn vị.
Cổ phiếu giao dịch sôi động nhất sàn HNX là SHS khớp 26,6 triệu đơn vị, kết phiên vẫn giữ mốc tham chiếu 13.500 đồng/CP.
Ngoài ra, phần lớn cổ phiếu có thanh khoản tốt cũng đều mất điểm như CEO giảm 0,4% và khớp 5,2 triệu đơn vị; AMV giảm 2%, C69 giảm 2,2%, NRC giảm 6,8%, MST nằm sàn, thanh khoản đều đạt hơn 2 triệu đơn vị.
Cổ phiếu họ P là PVS ngoài diễn biến tích cực khi hồi phục sắc xanh, thanh khoản cũng khá tốt khi đứng trong top 5 mã dẫn đầu thị trường, với hơn 9 triệu đơn vị khớp lệnh thành công.
Trên UPCoM, thị trường giao dịch dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,08%) xuống 84,55 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 47,17 triệu đơn vị, giá trị 539,22 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,46 triệu đơn vị, giá trị 104,81 tỷ đồng.
Cổ phiếu đầu tư công C4G vẫn giữ mức tăng 1,5%, đóng cửa tại mức giá 13.200 đồng/CP và thanh khoản thuộc top 5 với 2,76 triệu đơn vị giao dịch thành công.
Bên cạnh đó, một điểm sáng đáng chú ý là QNS có phiên giao dịch bùng nổ. Đóng cửa, QNS tăng 5,4% lên mức 48.500 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 1,98 triệu đơn vị.
Trong khi đó, mã nhỏ VHG vẫn giảm 8,6% và thanh khoản dẫn đầu thị trường với 5,17 triệu đơn vị; tiếp theo là BSR và SBS cùng giảm hơn 1 triệu đơn vị với khối lượng giao dịch lần lượt đạt hơn 4 triệu đơn vị và 2,78 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, trong đó hợp đồng đáo hạn gần nhất vào ngày 20/7 là VN30F2307 đóng cửa giảm 6,1 điểm, tương đương giảm 0,6% xuống 1.096,5 điểm, giao dịch sôi động nhất khi khớp hơn 186.910 đơn vị, khối lượng mở gần 50.690 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm áp đảo, tuy nhiên, mã có thanh khoản tốt nhất là CHPG2227 khớp 3,23 triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ 0,4% lên 2.530 đồng/cq. Còn lại các mã khác đều có thanh khoản dưới 1 triệu đơn vị.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn