Sự kiện VinFast niêm yết trên NASDAQ đã khuấy động thị trường, giúp cho cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup có thời điểm vươn lên vị trí thứ 2 về vốn hóa. Sau khi hạ nhiệt, nhiều cổ phiếu trong nhóm tỷ USD của HOSE lại có mức tăng tốt hơn trong tháng 8.
Theo thống kê từ HOSE, đến hết tháng 8/2023, sàn có 43 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD, trong đó VCB của NHTMCP Ngoại thương Việt Nam là doanh nghiệp duy nhất có vốn hóa trên 10 tỷ USD. Như vậy, so với tháng 7, số lượng mã trên 1 tỷ USD vẫn chưa có thêm sự tiến bộ nào.
Tuy nhiên, thực tế, các cổ phiếu trong nhóm vốn hóa 1 tỷ USD, lại tạo ra rất nhiều biến động. Nổi bật nhất là trường hợp của cổ phiếu VIC đã có thời điểm tăng tới 39% so với cuối tháng 5, nhờ hiệu ứng từ sự kiện VinFast niêm yết trên NASDAQ. Điều này đã giúp cho VIC có thời điểm vượt mặt cả Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV- BID) và VINHOMES (VHM) để vươn lên vị trí vốn hóa số 2 thị trường.
Dù vậy, sau khi hiệu ứng thông tin qua đi, cổ phiếu VIC cũng đã hạ nhiệt và thu hẹp thành tích tăng xuống 12,7%. Đồng thời, VIC cũng trả lại vị trí cho các mã VHM và BID để trở về vị trí thứ 4.
Nếu bị cuốn theo câu chuyện của VinFast, nhà đầu tư có thể còn bỏ lỡ những cơ hội tăng ấn tượng hơn trong nhóm các cổ phiếu vốn hóa hơn tỷ USD. Các trường hợp như Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam, Eximbank – EIB (+23,51%), Tập đoàn Hóa chất Đức Giang – DGC (+21,53%), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt -LPB (+26,37%) mới là những cổ phiếu đem lại thành quả tốt nhất.
Được biết trong tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho EIB trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 18%. Vốn điều lệ của EIB sẽ tăng từ 14.814 tỷ đồng lên 17.470 tỷ đồng.
Với LPB, Ngân hàng đã kết thúc đợt phát hành trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 19% vào ngày 23/8. Dự kiến tháng 9-10/2023, 328,51 triệu cổ phiếu LPB sẽ về tài khoản nhà đầu tư.
Còn với trường hợp DGC, đà tăng mạnh mẽ đến nhờ việc khối ngoại đảo chiều mua ròng hơn 320 tỷ đồng sau 4 tháng liên tiếp bán ra. Thực tế, từ tháng 3/2023, DGC vẫn liên tục tăng giá mà chưa xuất hiện bất kỳ một tháng điều chỉnh nào.
Thống kê độ rộng của 43 mã vốn hóa tỷ USD cho thấy có 44% mã tăng so với 56% mã giảm giá. Với việc nhiều cổ phiếu lớn ngả sang chiều giảm, biên độ tăng của VN-Index (+0,09%) đã trở nên hẹp nhất trong chuỗi 4 tháng tăng.
Theo dự báo của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), VN-Index có thể sẽ quay trở lại kiểm định vùng 1.280 – 1.300 điểm bên cạnh diễn biến khối ngoại bớt phần tiêu cực hơn. Trong trường hợp các biến số như tỷ giá, khối ngoại hay triển vọng nền kinh tế Trung Quốc trở nên kém khả quan, VN-Index có thể chứng kiến những phiên rung lắc và quay trở lại kiểm nghiệm ngưỡng 1.200 điểm và các mốc thấp hơn đã thiết lập trước đó.
Theo Cafef