Theo chuyên gia VDSC, đây là những nhóm ngành duy trì tăng trưởng dương với mức định giá ở vùng hợp lý và sẽ đến thời điểm được thị trường định giá lại.
Thị trường chứng khoán Việt Nam có chuỗi tăng mạnh mẽ cùng thanh khoản dồi dào. VN-Index đã tăng hơn 23% từ đầu năm đến nay để chinh phục mức đỉnh cao nhất trong hơn 10 tháng. Tuy thị trường bứt phá mạnh, song nhiều người vẫn lo ngại áp lực điều chỉnh sau giai đoạn tăng “nóng”.
VN-Index sẽ gặp áp lực khi tiến đến vùng cản 1.280 – 1.300 điểm
Phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 do Báo đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam tổ chức, ông Lê Đức Khánh – Giám đốc Phân tích Chứng khoán VPS cho rằng kênh chứng khoán đang vượt trội so với các kênh đầu tư khác, đơn cử như lãi suất tiền gửi hạ nhiệt, tỷ giá ổn định khiến ngoại tệ không hấp dẫn, thị trường trái phiếu và thị trường bất động sản chưa thực sự hồi phục khi sức cầu vẫn yếu…
Sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán thể hiện qua số lượng mở mở mới tăng mạnh, thanh khoản cũng dồi dào khi những phiên giao dịch tỷ đô xuất hiện thường xuyên hơn. “Dòng tiền khối nội đang chi phối mạnh, tôi thực sự bất ngờ khi thanh khoản tăng vọt lên ngưỡng 22.000 -24.000 tỷ đồng trong những tuần trở lại đây”, ông Lê Đức Khánh bình luận.
Điều này cho thấy dòng tiền không tìm được kênh đầu tư nào hấp dẫn hơn nên chảy mạnh vào chứng khoán, bất chấp tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp chưa thực sự cải thiện. Đây cũng là điều bình thường trong chu kỳ của thị trường, bởi TTCK luôn đi trước kinh tế vĩ mô một bước.
Dù vậy, nhiều nhà đầu tư lo ngại thị trường sẽ điều chỉnh mạnh sau giai đoạn tăng nóng. Chuyên gia VPS cho rằng để nắm bắt xu hướng thị trường được nhà đầu tư cần xem xét ba yếu tố (1) chính sách nới lỏng tiền tệ còn được tiếp tục hay không (2) nền kinh tế có thực sự hồi phục mạnh như kỳ vọng (3) sức hấp dẫn của chứng khoán so với các kênh đầu tư khác.
Theo ông Khánh, nhịp rung lắc trên thị trường sẽ xuất hiện để tạo nền giá. Mốc 1.200 điểm chưa phải cản quan trọng, VN-Index khả năng sẽ gặp cản cứng tại vùng 1.280 – 1.300 điểm. Thị trường có những “chặng nghỉ” trong quá trình đi lên và nhà đầu tư không nên lạc quan quá đà.
Nhóm cổ phiếu nào đang có định giá rẻ để đầu tư?
Về chiến lược đầu tư, chuyên gia VPS cho rằng nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu có định giá thấp (thông qua chiết khấu dòng tiền, định giá giá trị sổ sách), quản lý danh mục linh hoạt, ưu tiên chốt lời cổ phiếu tăng nóng để tìm những cổ phiếu bị dòng tiền “lãng quên” và phân bổ tỷ trọng cổ phiếu phù hợp theo nhóm ngành.
Trong bối cảnh thị trường đi lên từ vùng đáy, nhà đầu tư có thể dựa trên kinh nghiệm quá khứ để chọn lọc nhóm cổ phiếu hút dòng tiền. Nhìn lại giai đoạn 2012-2014, nhóm ngành ngân hàng, điện, sản xuất thực phẩm, đầu tư công, sản xuất thực phẩm là những cái tên có mức hồi phục mạnh mạnh nhất. Hiện tại, nhóm cổ phiếu công nghệ, bán lẻ, dầu khí, đầu tư công sẽ được hưởng lợi tốt.
Đưa ra quan điểm về cơ hội đầu tư, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích CTCK Rồng Việ t cho rằng định giá của các nhóm ngành có sự phân hoá. Trong đó, nhiều nhóm có P/E vượt qua vùng giao dịch thường xuyên 3 năm gần nhất. Nhà đầu tư đang trả thêm chi kỳ vọng tương lai về tăng trưởng lợi nhuận, đặc biệt sau khi các cơ quan ban ngành đưa ra chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng nếu chính sách chưa thực sự “thẩm thấu” vào nền kinh tế để đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư thì sẽ có sự điều chỉnh P/E ngược trở lại.
Nhóm cổ phiếu có P/E tương đối rẻ c ó thể đầu tư được chuyên gia VDSC đề cập là ngân hàng, dịch vụ phần mềm, dược và tiện ích công cộng. Đây là những nhóm ngành duy trì tăng trưởng dương nhiều quý liên tiếp với mức định giá ở vùng hợp lý không cao hơn mức trung bình 3 năm gần nhất và sẽ đến thời điểm được thị trường định giá lại.
Theo Cafef