Thường xuyên truy cập hocviendautu. để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư Thường xuyên truy cập hocviendautu.edu.vn để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư

CHUYÊN GIA HỖ TRỢ:

Facebook: Lê Nguyên

Zalo: 0765. 84 85 86

Nhật Bản sẽ can thiệp đối với tỷ giá đồng Yên?

Nhật Bản sẽ can thiệp đối với tỷ giá đồng Yên?
© Reuters.

Theo Lan Nha

Hocviendautu.edu.vn – Nhật Bản đang đối mặt với sức ép gia tăng phải bảo vệ tỷ giá đồng yên khỏi tình trạng mất giá mạnh, trong bối cảnh nhà đầu tư đặt cược lãi suất ở Mỹ sẽ giữ cao hơn lâu hơn mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn quyết tâm duy trì lãi suất siêu thấp. Ngoài việc đưa ra cảnh báo bằng lời nói, Chính phủ Nhật Bản còn có một số lựa chọn khác để kiểm soát tình trạng mà họ cho là sự giảm giá quá mức của đồng yên. Trong số các lựa chọn này là can thiệp trực tiếp vào thị trường tiền tệ, bằng cách mua vào một lượng yên lớn, thường thông qua bán đôla Mỹ để mua yên.

Lần gần đây nhất Nhật Bản can thiệp vào thị trường tiền tệ bằng cách mua vào đồng yên diễn ra vào tháng 9 năm ngoái. Đó cũng là lần đầu tiên Nhật Bản có động thái như vậy kể từ năm 1998. Đợt can thiệp diễn ra sau khi quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo của BOJ đẩy tỷ giá đồng yên giảm tới mức 145 yên đổi 1 USD. Tiếp đó, Nhật Bản lại có hành động can thiệp vào tháng 10, khi đồng yên rớt giá xuống mức 151,94 yên/USD, mức thấp nhất 32 năm.

Việc Nhật Bản can thiệp vào thị trường tiền tệ bằng cách mua đồng yên là hiếm khi xảy ra. Thay vào đó, Bộ Tài chính nước này thường bán ra đồng yên để ngăn sự tăng giá của đồng nội tệ – nhân tố có thể gây tổn hại cho nền kinh tế có độ phụ thuộc lớn vào xuất khẩu vì khiến hàng hoá Nhật Bản giảm khả năng cạnh tranh ở nước ngoài.

Tuy đồng yên giảm giá có lợi cho các nhà xuất khẩu của Nhật Bản, nhưng tốc độ mất giá của yên hiện nay đang bị xem là một vấn đề lớn. Đó là bởi nhiều công ty Nhật đã chuyển sản xuất ra nước ngoài và nền kinh tế Nhật đang có sự phụ thuộc không nhỏ vào hàng hoá nhập khẩu, từ xăng dầu, nguyên vật liệu thô cho tới linh kiện máy móc và hàng tiêu dùng.

Khi nhà chức trách Nhật Bản gia tăng cảnh báo bằng lời nói, rằng họ “đã sẵn sàng hành động quyết đoán” để chống lại tình trạng đầu cơ, đó được coi là dấu hiệu rằng một đợt can thiệp sắp diễn ra.

Việc rà soát tỷ giá bởi BOJ – khi giới chức của cơ quan này gọi điện tới các nhà môi giới tiền tệ để hỏi về tỷ giá mua/bán đồng yên – thường được các nhà giao dịch xem là bước đệm cho động thái can thiệp.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki nói rằng nhà chức trách “không loại trừ bất kỳ khả năng nào” để ứng phó với biến động quá mức trên thị trường tiền tệ. Ông Suzuki cũng nói giới chức đang theo dõi diễn biến tỷ giá với “tinh thần cấp bách cao độ”.

Nhà chức trách Nhật Bản nói họ quan tâm đến tốc độ mất giá của đồng yên hơn là các mốc tỷ giá cụ thể, cũng như việc liệu tỷ giá có đang bị chi phối bởi giới đầu cơ hay không, để đưa ra quyết định có can thiệp hay không.

Hiện tại, tỷ giá đồng yên so với USD đã giảm rất gần mốc 150 yên/USD – mức tỷ giá mà thị trường xem là giới hạn để Bộ Tài chính Nhật Bản quyết định can thiệp. Nếu mốc tỷ giá này bị phá vỡ mà vẫn chưa có động thái nào từ nhà chức trách, thì các nhà giao dịch cho rằng giới hạn tiếp theo sẽ là 151,94 yên/USD – mốc tỷ giá dẫn tới đợt can thiệp gần đây nhất hồi tháng 10 năm ngoái; và giới hạn tiếp theo nữa sẽ là 155 yên/USD.

Việc can thiệp vào thị trường tiền tệ là một quyết định có tính chính trị cao ở Nhật Bản. Hiện nay, tốc độ lạm phát cả năm ở Nhật Bản vẫn đang cao hơn mức mục tiêu 2% của BOJ, nhưng sức ép từ công chúng liên quan đến sự mất giá của đồng yên đã giảm bớt so với năm ngoái, vì giá xăng dầu và hàng hoá cơ bản toàn cầu đã dịu đi so với thời điểm đó.

Nếu tốc độ mất giá của yên gia tăng, kéo theo sự bất bình của truyền thông và công chúng, khả năng can thiệp vào thị trường ngoại hối sẽ tăng lên. Tuy nhiên, đây sẽ không phải là một quyết định dễ dàng. Việc can thiệp thị trường rất tốn kém và có thể thất bại, xét tới việc một đợt mua yên với quy mô lớn cũng có thể chỉ là “muối bỏ bể” so với lượng yên trị giá 7,5 nghìn tỷ USD được sang tay mỗi ngày trên thị trường ngoại hối toàn cầu.

Khi Nhật Bản can thiệp để ngăn sự tăng giá của đồng yên, Bộ Tài chính nước này sẽ phát hành hối phiếu ngắn hạn để huy động đồng yên rồi bán ra thị trường nhằm khiến tỷ giá yên suy yếu. Ngược lại, để hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ, nhà chức trách phải rút USD từ dự trữ ngoại hối để mua vào đồng yên từ thị trường tài chính. Trong cả hai trường hợp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản là người ra lệnh can thiệp, còn BOJ là đơn vị chịu trách nhiệm thi hành can thiệp với tư cách đại diện của Bộ Tài chính.

Việc can thiệp bằng cách mua yên để ngăn đồng yên giảm giá được cho là khó hơn nhiều so với can thiệp bằng cách bán yên nhằm ngăn đồng yên tăng giá.

Nhật Bản sở hữu dự trữ ngoại hối gần 1,3 nghìn tỷ USD, nhưng dự trữ này có thể giảm đáng kể nếu Tokyo liên tục có động thái can thiệp mạnh tay vào thị trường ngoại hối để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ. Thực tế này khiến giới chức Nhật Bản băn khoăn về việc họ có thể ngăn đà mất giá của đồng yên trong bao lâu.

Nhật Bản cũng đề cao tầm quan trọng của việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nước đối tác trong nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7), nhất là Mỹ nếu như việc can thiệp có liên quan đến đồng USD.

Theo investing.com 


CÔNG TY THÀNH VIÊN

© HOCVIENDAUTU.EDU.VN ALL RIGHTS RESERVED
GIAO DỊCH FOREX
GIAO DỊCH CRYPTO