Trong quý II, thị trường bất động sản phía Nam có 15 dự án mở bán với 1.826 căn, lượng tiêu thụ mới đạt 1.179 căn. Trong đó, phân khúc vừa túi tiền tăng đáng kể, chiếm 39% nguồn cung mới, tập trung chủ yếu tại TP. Thuận An, TP. Dĩ An và TP. Thủ Dầu Một của tỉnh Bình Dương.
Báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) của DKRA Group cho thấy, nguồn cung mới tại TP.HCM và các tỉnh giáp ranh trong quý II ghi nhận tăng 33% so với quý I nhưng sụt giảm 87% so với cùng kỳ. Trong đó, TP.HCM và Bình Dương chiếm gần 90% nguồn cung mở bán mới trong quý.
Trong quý toàn thị trường có 15 dự án mở bán (4 dự án mới và 11 dự án ở giai đoạn kế tiếp), cung cấp 1.826 căn, lượng tiêu thụ mới đạt 1.179 căn. Tỷ trọng phân khúc căn hộ hạng C tăng đáng kể, chiếm 39% nguồn cung mới toàn thị trường, phân bổ chủ yếu tại 3 thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương là Thuận An, Dĩ An và Thủ Dầu Một.
Riêng tại TP.HCM, phân khúc căn hộ hạng A tiếp tục dẫn đầu, chiếm 91% nguồn cung mở bán mới trong quý, các dự án tập trung tại khu Đông (TP. Thủ Đức). Sức cầu chung toàn thị trường tăng so với quý I nhưng vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ, lượng tiêu thụ nguồn cung mới chỉ đạt khoảng 10% so với quý II/2022.
Giá bán sơ cấp không có nhiều biến động trong khi giá thứ cấp tiếp tục sụt giảm, mặt bằng giá bán thứ cấp ghi nhận giảm phổ biến 3-7% so với quý trước, tuy nhiên thanh khoản vẫn ở mức thấp.
Tại TP.HCM, giá bán dự án mới cao nhất, lên gần 95 triệu đồng/m2, giá bán thấp nhất là 43,5 triệu đồng/m2; Bình Dương giá cao nhất là 49 triệu đồng/m2, thấp nhất là 31,7 triệu đồng/m2; Đồng Nai cao nhất 34,9 triệu đồng/m2, thấp nhất 31,1 triệu đồng/m2; Long An có mức giá dễ chịu hơn cả khi mức cao nhất là 24,6 triệu đồng/m2, thấp nhất là 22,8 triệu đồng/m2.
Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Mảng dịch vụ Tư vấn & Phát triển dự án của DKRA Group nhận định, các cơ quan quản lý Nhà nước đang đẩy nhanh việc tháo gỡ để khai thông thị trường. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 đến nay, nguồn cung, lượng tiêu thụ giảm mạnh, chỉ bằng 5-10% so với cùng kỳ tùy phân khúc. Đồng thời, tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường hiện tại đang ở mức rất thấp bởi những thông tin kém tích cực.
“Việc chỉ đạo tháo gỡ pháp lý hiện tại vẫn chỉ dừng lại ở mức độ chủ trương, định hướng, chưa có nhiều văn bản, thông tư, nghị định… hướng dẫn chi tiết các sở ban hành về việc phối hợp triển khai một cách cụ thể nhằm đạt được hiệu quả tối ưu”, ông Thắng nói và cho rằng cần thời gian để những chỉ đạo tháo gỡ khó khăn được triển khai đồng bộ và đủ tác động đến thị trường.
Bên cạnh đó, ông Thắng đánh giá, lạm phát và lãi suất cho vay vẫn còn ở mức cao (10-14%/năm). Để tạo đà cho thị trường hồi phục, cần có những giải pháp hạ lãi suất hơn nữa.
“Thời gian qua, ảnh hưởng của những động thái lên thị trường chưa thật sự rõ nét nhưng đây đều là những bệ đỡ vững chắc. Từ đó, tạo đà hồi phục bền vững cho thị trường vào khoảng cuối năm 2023 hoặc chậm nhất là nửa đầu năm 2024”, ông Thắng cho hay.
Về thị trường BĐS trong thời gian tới, DKRA Group dự báo, nguồn cung mới tại TP.HCM có thể sẽ tăng, dao động từ 1.200-1.500 căn, Bình Dương từ 500-800 căn, Đồng Nai khoảng 150 căn, Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 250 căn, dự kiến mở bán mới trong quý III.
Căn hộ hạng A tiếp tục giữ vững vị thế chủ đạo tại TP.HCM trong khi phân khúc căn hộ hạng B và C dẫn dắt nguồn cung mới các tỉnh giáp ranh.
Mặt bằng giá bán sơ cấp không có nhiều biến động. Giá bán tiếp tục chịu áp lực từ các chi phí đầu vào phát triển dự án, thời gian hoàn thiện thủ tục pháp lý dự án kéo dài, lãi vay… Giá cũng như thanh khoản thứ cấp có thể sẽ cải thiện so với quý II, tập trung ở phân khúc nhà ở vừa túi tiền, đầy đủ pháp lý, mức giá dưới 40 triệu đồng/m2.
Theo Cafef