Do hầu bao hạn chế nhưng vẫn muốn sở hữu căn nhà tại Hà Nội, nhiều người đã chọn cách mua chung cư không sổ đỏ với mức giá rẻ. Mặc dù có được mức giá thấp nhưng sẽ có những rủi ro cho người mua.
Trong bối cảnh nguồn cung căn hộ giá rẻ ngày càng khan hiếm, đồng thời các sản phẩm được đưa ra thị trường hầu hết tập trung ở phân khúc trung cấp, cao cấp. Trong khi đó, sức cầu phân khúc nhà ở giá rẻ ngày càng lớn nhưng nguồn cầu không đáp ứng đủ.
Do đó, để có thể sở hữu nhà tại Hà Nội, nhiều người đã chọn cách mua căn hộ chưa có sổ đỏ với mức giá rẻ hơn các căn chung cư có pháp lý chuẩn một khoản lớn.
Sau 5 năm kết hôn, gia đình anh Tuấn (Hoàng Mai, Hà Nội) tiết kiệm được hơn 1 tỷ đồng. Lúc này vợ chồng anh bắt đầu nghĩ tới chuyện có tổ ấm riêng cho mình. Tuy nhiên, sau 2 tháng đi xem nhà tại nhiều dự án chung cư tại Hà Nội, anh Tuấn nhận ra số tiền này rất khó sở hữu các căn chung cư cũ đã có sổ đỏ.
“Được môi giới giới thiệu sang dự án chung cư HH Linh Đàm với mức giá khá rẻ chỉ nhỉnh 20 triệu đồng/m2 nhưng không có sổ đỏ. Sau khi bàn bạc kỹ với vợ, chúng tôi vẫn quyết định mua. Dù pháp lý không được chuẩn chỉnh nhưng miễn mình có nhà ở Hà Nội để sống”, anh Tuấn nói.
Theo đó, cuối tháng 4 vừa qua nhờ sự hỗ trợ thêm của gia đình 2 bên, anh Tuấn đã chốt mua căn hộ có diện tích 59 m2, thiết kế 2 phòng ngủ với mức giá 1,3 tỷ đồng, tương đương 22 triệu đồng/m2. Anh Tuấn cho biết, do căn hộ chưa được sổ đỏ nên chỉ có thể giao dịch bằng hình thức lập vi bằng.
“Với căn hộ tương tự nếu đã có sổ đỏ giá dao động khoảng hơn 2 tỷ đồng, nên mua căn nhà này chúng tôi cũng được một khoản và không phải đi vay thêm. Hơn nữa chủ cũ cũng để lại hết đồ đạc, vợ chồng tôi chỉ thuê sửa sang lại một số chỗ là vào ở ngay được”, anh Tuấn nói.
Tương tự, chị Trang (Hà Nội) cho biết, mới đây gia đình chị đã xuống tiền mua một căn chung cư không sổ đỏ có diện tích 100m2, thiết kế 3 phòng ngủ với mức giá 3 tỷ đồng tại dự án trên địa bàn quận Thanh Xuân.
“Tôi cũng đã đi tham khảo qua nhiều dự án, nếu một căn chung cư tương tự có sổ đỏ giá lên tới trên 4 tỷ đồng. Gia đình tôi mua căn hộ không sổ đỏ đã có thể tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng. Tôi thấy nhiều nhà tại dự án họ vẫn sử dụng bình thường, chỉ có hạn chế sẽ không thể thế chấp ngân hàng”, chị Trang nói.
Thực tế, dù các căn chung cư không sổ đỏ có rẻ hơn so với nhà đã hoàn chỉnh pháp. Song, thời gian qua giá loại nhà này cũng đã tăng mạnh do sức cầu lên cao khiến một số chủ nhà phải ngỡ ngàng.
Theo anh Ngô Trường Giang, Giám đốc sàn môi giới bất động sản Thành Đạt (Hà Nội), những năm qua giá chung cư tại Hà Nội liên tục tăng cao, do vậy, các căn hộ có giá 20 – 25 triệu đồng/m2 gần như không còn, dù đã qua sử dụng hàng chục năm.
“Nhiều người có hầu bao hạn chế cũng lựa chọn sang các căn hộ chưa có sổ đỏ để được giá rẻ hơn khoảng vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Do vậy, các căn chung cư không sổ có giá rẻ cũng rất dễ bán lại. Tuy nhiên, mức giá rẻ có đi kèm với những rủi ro nhất định, người mua cần nắm rõ thông tin về căn nhà mới xuống tiền. Đồng thời do pháp lý chưa hoàn chỉnh nên có hạn chế là người mua không thể sử dụng làm tài sản thế chấp vay ngân hàng”, anh Giang nói.
Luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc công ty Luật Nghiêm Quang (đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, việc mua nhà không sổ đỏ dù được giá rẻ nhưng sẽ có nhiều rủi ro về pháp lý cho người mua. Do căn nhà chưa có sổ đỏ nên nhiều người sẽ giao dịch bằng cách lập vi bằng và công chứng.
Ông Vinh lưu ý, khi công chứng hợp đồng cần yêu cầu người bán phải xuất trình hợp đồng mua bán căn hộ chung cư với chủ đầu tư trước đó để đảm bảo tính pháp lý của căn nhà. Trường hợp căn hộ chung cư đó đã được mua bán nhiều lần, khi công chứng thì hai bên phải xuất trình hợp đồng mua bán lần gần nhất và quá trình mua bán phải được thông qua chủ đầu tư. Bởi có một số trường hợp sẽ bị vô hiệu hóa nếu như bỏ qua xác nhận của chủ đầu tư.
“Trường hợp này có khá nhiều rủi ro do vậy hai bên mua và bán cần thực hiện giao dịch ở phòng công chứng để đảm bảo an toàn cũng như quyền lợi cho cả hai bên, đặc biệt là bên mua nhà”, ông Vinh lưu ý thêm.
Theo Cafef