Thời gian gần đây, thị trường bất động sản liên tục xuất hiện các thông tin về bỏ cọc, sang cọc hoặc vừa mua xong đã sang nhượng…khiến nhiều người hoài nghi về sự thật phía sau.
“Khách mới cọc nhà, vô cấp cứu không thể đi công chứng được, cần sang lại gấp bằng giá mua…”
“Khách mới cọc nhưng có việc gia đình không thể đi công chứng được, sang bằng giá mua. Khách đã cọc 100 triệu, ngày 19/6 đi công chứng…”
Là những thông tin xuất hiện khá nhiều trên các hội nhóm rao bán bất động sản. Không chỉ khách ngộp ngân hàng ra gấp với giá giảm sâu mà nhiều khách vừa cọc đã sang nhượng gấp. Thậm chí có trường hợp, vừa mua xong hạ giá để sang được cọc.
Mới đây, một nhà đầu tư mua căn nhà tại P.Tăng Nhơn Phú A, quận 9 (cũ, nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) với giá 3,3 tỉ đồng/căn. Thời gian công chứng là 1 tháng. Sau 1 tuần xuống cọc, nhà đầu tư này gửi môi giới sang cọc và chuyển nhượng bằng giá. Tuy nhiên, gần đến ngày đi công chứng căn nhà này vẫn chưa tìm được khách để sang.
Tìm hiểu được biết, đây là căn nhà mua vào với giá đã giảm so với giá thị trường khoảng hơn 300 triệu đồng. Người mua khá ưng ý căn nhà và xuống cọc ngay sau đó. Tuy nhiên, vì chưa xoay sở được dòng tiền để trả chủ nhà đi công chứng nên rao bán lại với giá thu về. Tuy nhiên, các lý do như lời môi giới rao: “Khách đi cấp cứu” hay “gia đình có việc gấp nên sang nhượng lại…” đều nhằm tạo sức hút để ra hàng.
Cũng tại khu vực quận 9, mới đây có trường hợp mua nền đất giá ngộp 2,250 tỉ đồng/nền. Một nhà đầu tư xuống cọc 200 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi xuống cọc người này đăng tin rao bán lại với giá 2,380 tỉ đồng. Nội dung đăng tin “ Khách mới cọc nhưng có việc gấp không thể xuống tiền. Để lại bằng giá. Liên hệ….cọc gấp”. Tìm hiểu được biết, thực tế đây là nền đất môi giới “lướt cọc” và tìm khách mua ngay sau đó, hoàn toàn không phải khách để lại bằng giá như lời rao.
Ghi nhận cho thấy, các “chiêu trò” đăng tin, rao bán của môi giới ngày càng thể hiện rõ trong bối cảnh thị trường khó khăn. Các thông tin về sản phẩm như: “Ngộp thở” “Lỗ quá rồi” “Khách đi cấp cứu” “Khách bán gấp đi nước ngoài, giá giảm sâu…” thường xuyên xuất hiện trên các diễn đàn, hội nhóm. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào giá cũng giảm sâu như lời môi giới rao bán.
Trường hợp khách vừa mua xong, sang cọc lại bằng giá hoặc giảm giá đa số cũng xuất phát từ các yếu tố như: Không đủ tài chính đi công chứng; trục trặc trong việc vay ngân hàng; tham gia lướt sóng nhưng không thành….Các trường hợp này khá rủi ro vì thị trường yếu thanh khoản, việc sang cọc lại không dễ. Không ít môi giới rao bán với các lý do khẩn cấp nhưng không phải sản phẩm nào cũng sang cọc được trước ngày công chứng. Nhất là trong bối thị trường yếu thanh khoản như hiện nay.
“Nhằm lôi kéo khách hàng lúc thị trường có quá nhiều nguồn hàng ra thị trường trong khi sức mua yếu, các môi giới đã sử dụng các thủ thuật về đăng tin, lời rao gây hiệu ứng mạnh để tìm khách. Tuy vậy, các thông tin rao có khi không đúng sự thật”, một nhà đầu tư lâu năm tại khu Đông cho hay.
Cũng theo nhà đầu tư này, nếu không tìm hiểu kỹ rất dễ “dính bẫy”, mua giá cao hơn vài trăm triệu đồng trong khoảng thời gian ngắn. Bởi lẽ, hiện có khá nhiều nguồn hàng ngộp sâu, môi giới có thể “đạp” được giá thêm với chủ nhà/đất. Sau khi thấy giá thấp hơn hẳn so với thị trường, môi giới có thể xuống cọc và lướt sóng hưởng chênh sau đó. Tuy vậy, những thông tin rao bán ra bên ngoài có thể khác so với thực tế.
Theo Cafef