Ngày nay, sự phát triển nở rộ của báo chí – truyền thông đã tạo nên những nhà đầu tư chủ động, buộc công ty chứng khoán phải tham khảo thông tin từ báo chí, vừa phải cạnh tranh chất lượng phân tích, nhận định thị trường với báo chí.
Cạnh tranh với “chim báo bão”
Trong chuyến công tác TP.HCM cách đây ít ngày, tôi gặp một nhà đầu tư cá nhân tên Trung, kinh doanh mảng năng lượng ở quận 1. Giống như nhiều người trẻ sống ở thành thị, anh Trung coi chứng khoán là một nguồn thu nhập, bên cạnh nguồn thu nhập từ công việc chính thức.
Buổi sáng, nhà đầu tư này thường “lướt” qua vài trang báo điện tử về lĩnh vực tài chính quen thuộc để cập nhật tin tức vĩ mô và thị trường chứng khoán. Quá trình này đôi khi tiếp diễn trên đường anh lái xe đi làm, thông qua những podcast hoặc bản tin radio. Tít những bài báo ưa thích của anh Trung thường là: “Đọc gì trước giờ giao dịch hôm nay?”, “Cổ phiếu cần quan tâm ngày…”, “Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày…”…
“Lâu nay, tôi ít hỏi broker rằng “mua con gì”, mà chỉ thỉnh thoảng yêu cầu hỗ trợ nếu gặp trục trặc kỹ thuật khi giao dịch. Tôi hiểu rằng, muốn coi chứng khoán là một nguồn thu nhập bền vững thì phải thật sự thấu hiểu và có chính kiến riêng khi đầu tư”, nhà đầu tư trên chia sẻ.
Buổi sáng hôm đó (18/9), khi ngồi uống cafe với nhau, tôi và anh Trung mở điện thoại vào room tư vấn của công ty chứng khoán nơi chúng tôi mở tài khoản giao dịch. Room của tôi, lúc 9h sáng, bạn broker xuất hiện với lời chào: “Chào buổi sáng cả nhà. Xin gửi một số tin tức tham khảo đầu phiên giao dịch hôm nay”. Sau đó, broker gửi vài link bài báo có nội dung: Chính phủ khẳng định sẽ nới lỏng tiếp cận vốn tín dụng, BIDV hạ lãi suất huy động…
Room của Trung, broker dẫn đường link bài báo thông tin Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt chân đến nước Mỹ, bắt đầu chuyến công tác kéo dài đến ngày 23/9 kèm lời nhận định “Vùng mua đến rồi”. Câu nói này hàm ý rằng, trong lịch sử, cứ sau mỗi lần lãnh đạo Việt Nam và Mỹ gặp nhau là thị trường lại tăng điểm.
Có thể thấy, hoạt động đầu tư của nhà đầu tư và hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán ngày nay không thể thiếu công cụ báo chí. Thậm chí, theo chia sẻ của bà Lý Thị Hiền, Trưởng phòng IR, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, công ty chứng khoán ngày nay vừa dựa vào dữ liệu của báo chí, vừa phải cạnh tranh chất lượng nhận định, phân tích thị trường với báo chí.
Bà Hiền phân tích, mọi diễn biến trên thị trường chứng khoán đều rất nhanh; mặt khác, trình độ của nhà đầu tư đã cao hơn trước nên không còn phụ thuộc vào công ty chứng khoán. Trình độ của báo chí tài chính cũng cao hơn và ngày càng tiệm cận với chất lượng phân tích, nhận định của công ty chứng khoán.
“Thay vì phải thu thập thông tin từ doanh nghiệp, sử dụng bộ lọc, công cụ của mình rồi phân tích và gửi đến nhà đầu tư như trước đây, hiện nay, nhân viên công ty chứng khoán thường gửi thẳng link bài báo cho nhà đầu tư. Thậm chí, chỉ cần có tin tức trên báo chí, nhà đầu tư còn gửi cho nhau nhanh hơn công ty chứng khoán, sau đó họ chất vấn lại công ty chứng khoán và yêu cầu xác minh, đưa ra nhận định”, bà Hiền nói.
Quan trọng hơn, trong chức phận của mình, nhà báo và các tờ báo tài chính ngày nay phần nào giống loài chim báo bão, có khả năng báo trước mối nguy hiểm của thị trường để nhà đầu tư điều chỉnh hành vi, giảm thiểu thiệt hại.
Còn nhớ, vào năm 2020, 2021, nhóm bị cáo Đỗ Thành Nhân, Đỗ Đức Nam và các đồng phạm tại Công ty Louis Holdings, Công ty Chứng khoán Trí Việt lập 17 tài khoản chứng khoán sau đó liên tục khớp lệnh để tạo cung cầu giả tạo đối với hai mã cổ phiếu BII và TGG, “thổi” giá hai mã này tăng 34 – 42 lần, sau đó bán tháo, thu lời bất chính gần 155 tỷ đồng. Chính báo chí đã phản ánh về việc cổ phiếu BII và TGG tăng bất thường để cảnh báo nhà đầu tư và giúp cơ quan chức năng đưa vụ thao túng giá chứng khoán này ra trước pháp luật.
Gần đây nhất, vụ Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư LDG Nguyễn Khánh Hưng bán “chui” 2,6 triệu cổ phiếu LDG ngày 15/8/2023 (sau đó bị phạt 520 triệu đồng và đình chỉ giao dịch 4 tháng)… có vai trò phát hiện và cảnh báo của báo chí. Cũng chính báo chí đã theo sát diễn biến vụ việc và cập nhật cho nhà đầu tư những phản ứng của thị trường, biện pháp xử lý của cơ quan quản lý…, giúp nhà đầu tư có nguồn thông tin chính thống phục vụ hoạt động giao dịch chủ động của mình.
“La bàn thông tin” tốt sẽ được lựa chọn
Khi biết tôi làm việc ở Báo Đầu tư, nhà đầu tư Trung tỏ ra rất hứng thú và cho biết, anh là một độc giả trung thành của Báo. “Nhất là tờ Đầu tư Chứng khoán, tờ nhỏ nhỏ ấy, rất hay, tôi vẫn đọc hàng tuần”, nhà đầu tư này nói.
Theo lời anh Trung, trong hằng hà sa số những kênh thông tin đa dạng, đa chiều mà nhà đầu tư có thể tiếp cận hàng ngày, có không ít tin nhiễu loạn, tin fake, tin “bẩn”… đến từ những room “lùa gà”…, điều mà nhà đầu tư cần vẫn là những thông tin chính thống, đáng tin cậy.
Chia sẻ với phóng viên, chị Thanh Lan, một nhà đầu tư cá nhân ở Hà Nội cho biết, từ chỗ chưa biết chọn kênh nào làm “la bàn thông tin” phục vụ đầu tư, sau nhiều lần thấy broker dẫn link các tin bài trên Báo Đầu tư Chứng khoán vào room để phân tích thị trường, phân tích doanh nghiệp, khuyến nghị cổ phiếu, trên website của công ty chứng khoán cũng thường xuyên trích dẫn những bài báo này, chị đã chủ động theo dõi Báo Đầu tư Chứng khoán và cảm thấy an tâm hơn khi giao dịch.
Nhà đầu tư luôn đặt niềm tin vào báo chí chính thống, xem đây là kênh tham khảo quan trọng cho mỗi quyết định đầu tư
Ý thức được áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các mạng xã hội, những người làm Báo Đầu tư luôn cố gắng đưa những thông tin minh bạch, tin cậy, chất lượng đến với nhà đầu tư nói riêng và các thành viên thị trường nói chung. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều thông tin nhiễu loạn, bằng trách nhiệm xã hội và “bộ lọc” của mình, hệ thống Báo Đầu tư đã làm tốt công việc ổn định tâm lý nhà đầu tư thông qua việc phân biệt tin thật, tin giả.
Tập đoàn GELEX, một trong những đơn vị từng là nạn nhân của hàng loạt tin đồn thất thiệt về sức khoẻ doanh nghiệp, về cổ phiếu, về cá nhân Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuấn… đã từng nhiều lần phải sử dụng công cụ báo chí để cải chính tin đồn. Cổ phiếu GEX của GELEX đã không ít lần bị “rung lắc” vì tin đồn và chắc chắn hậu quả còn nặng nề hơn nếu báo chí không kịp thời lên tiếng.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC, một chuyên gia quen mặt trên Báo Đầu tư Chứng khoán chia sẻ: “Nhà đầu tư luôn đặt niềm tin vào báo chí chính thống, xem đây là kênh tham khảo quan trọng cho mỗi quyết định đầu tư. Bởi vậy, khi cộng tác với hệ thống Báo Đầu tư, tôi luôn cố gắng đưa ra những nhận định công tâm nhất”.
Giúp nhà đầu tư chủ động tiếp cận thông tin, chủ động giao dịch, đầu tư mang lại hiệu quả bền vững là phương châm của mỗi người viết báo, mỗi chuyên gia và cũng là vai trò mà Báo Đầu tư, Đầu tư Chứng khoán luôn đề cao và theo đuổi.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn