Thường xuyên truy cập hocviendautu. để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư Thường xuyên truy cập hocviendautu.edu.vn để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư

CHUYÊN GIA HỖ TRỢ:

Facebook: Lê Nguyên

Zalo: 0765. 84 85 86

Cổ phiếu gạo “bình thản” trong mùa vàng xuất khẩu

Xuất khẩu gạo đang bước vào mùa vàng khi các nước đẩy mạnh nhu cầu tích trữ lương thực giúp doanh nghiệp Việt hưởng lợi. Dù vậy, nhóm cổ phiếu gạo vẫn lặng sóng bất chấp các dự báo tích cực từ nay đến cuối năm. 

Xuất khẩu gạo gặp “thiên thời địa lợi”

Tại họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố, nửa đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 4,2 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 2,3 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2022 thì tăng 22,2% về lượng và tăng 34,7% trị giá.

Giá gạo xuất khẩu đang trong xu hướng tăng mạnh, lên mức cao nhất trong vòng 2 năm qua. Ngày 4/7, giá gạo 5% tấm được giao dịch ở mức 508 USD/tấn, cao hơn mức 495 – 505 USD/tấn ghi nhận vào tuần trước. Ngoài ra, gạo 25% tấm được bán ở mức 488 USD/tấn và gạo Jasmine ổn định 578 USD/tấn. Đây là mức cao nhất trong số các nước xuất khẩu gạo.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, hiện tượng El Nino kéo theo những điều kiện thời tiết nóng và khô hơn sẽ khiến lượng dự trữ gạo của thế giới giảm 5%, xuống còn 173,5 triệu tấn trong niên vụ này.

Đồng thời, thời tiết khắc nghiệt gây hậu quả nghiêm trọng đối với vựa lúa gạo châu Á, khiến năng suất gạo tại Ấn Độ và Thái Lan đều suy giảm. Trong khi đó, xung đột Nga – Ukraine khiến nhu cầu dự trữ lương thực trên toàn cầu tăng. Trung Quốc dự kiến tăng nhập khẩu thêm 6 triệu tấn gạo trong niên vụ 2022 – 2023 do hạn hán kéo dài; Indonesia công bố nhập khẩu thêm 2 triệu tấn gạo trong năm này để bổ sung kho dự trữ quốc gia…

Dự báo trong những tháng cuối năm 2023 và sang năm 2024, nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu gạo của nhiều quốc gia sẽ tiếp tục gia tăng. Fitch Solutions cho rằng, giá gạo xuất khẩu của các nước sẽ duy trì ở mức cao như hiện nay cho đến năm 2024.

Còn ở Việt Nam, nhờ tình hình thuỷ văn, nhất là các vùng canh tác lúa gạo trọng điểm ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đang diễn ra khá ổn định nên sản lượng được duy trì ở mức tốt. Dù khả năng hiện tượng El Nino xuất hiện tăng cao từ tháng 6 trở đi có thể khiến lượng mưa giảm xuống, nhưng Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế vẫn dự báo sản lượng lúa gạo Việt Nam năm nay sẽ đạt 29 triệu tấn, cao hơn sản lượng của Thái Lan là 20 triệu tấn.

Các tổ chức trong nước kỳ vọng, xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2023 có thể đạt khoảng 8 triệu tấn, mang về 4 tỷ USD. Trước mắt, nhu cầu nhập khẩu gạo tại một số thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc và Malaysia đều tăng mạnh; thậm chí ở những thị trường mới cũng có tín hiệu tích cực.

Cổ phiếu gạo “bình thản” trong mùa vàng xuất khẩu ảnh 1

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (mã TAR) thông tin, với thị trường Hàn Quốc, từ đầu năm đến nay doanh nghiệp đã trúng thầu liên tiếp 3 hợp đồng xuất khẩu gạo lớn. Hợp đồng mới nhất được ký giữa tháng 6 với gần 17.000 tấn gạo xuất khẩu, giá 674 USD/tấn.

Trong năm nay, Trung An sẽ tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia phát triển như EU, Malaysia, Singapore… Đây là các thị trường khó tính nhưng có tỷ suất lợi nhuận cao. Đồng thời, Công ty sẽ chuyển dần từ bán lẻ xuất khẩu sang bán buôn xuất khẩu.

Trước tình hình thuận lợi, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương phát triển giống lúa năng suất, chất lượng cao phù hợp yêu cầu thị trường, sử dụng hiệu quả thương hiệu và nhãn hiệu Gạo Việt Nam/VietNam rice; xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với hội nhập quốc tế trong tình hình hiện nay.

Sớm nắm bắt được xu hướng này, bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam – Vinaseed (mã NSC) cho biết, Công ty đang hướng đến kinh doanh gạo thương hiệu, phân khúc cao cấp xuất khẩu và thị trường nội địa tập trung phân khúc trung – cao cấp. Bên cạnh đó, NSC cũng kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm giúp gạo Vinaseed được ưa chuộng tại thị trường châu Âu, Úc và Nhật Bản, dần chiếm lĩnh và thay thế các thương hiệu gạo nổi tiếng của Thái Lan, Ấn Độ với giá bán từ 750 USD/tấn.

Cổ phiếu gạo “lặng sóng”

Dù xuất khẩu gạo đang gặp “thiên thời, địa lợi”, song nhóm cổ phiếu gạo lại có những phiên giao dịch khá mờ nhạt, có phần thờ ơ với những thông tin tích cực của ngành.

Trong một tuần trở lại đây, cổ phiếu TAR đã giảm hơn 1,2%, xuống chỉ còn 16.100 đồng/CP. Đóng cửa phiên ngày 5/7, TAR giảm 0,62% sau 3 phiên xanh trước đó. Tương tự, NSC có một tuần giao dịch không mấy tích cực khi giảm 0,29% xuống còn 68.700 đồng/CP.

Ở chiều ngược lại, PAN là cổ phiếu tăng mạnh nhất nhóm gạo trong tuần với 2,2% được tích luỹ thêm giúp cổ phiếu nhích lên giá 20.500 đồng/CP. Tuy nhiên, PAN cũng đóng cửa phiên 5/7 trong sắc đỏ. Ngoài ra, LTG ghi nhận tăng nhẹ 0,65% lên 31.000 đồng/CP.

Tại ĐHĐCĐ năm 2023 của TAR mới đây, trước thắc mắc của cổ đông về việc tại sao thị trường chứng khoán tăng, giá lúa gạo tăng mà cổ phiếu Công ty không tăng, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết: “Không để ý nhiều lắm” về thị trường chứng khoán mà tập trung chủ yếu về sản xuất kinh doanh.

Việc thị trường thờ ơ với cổ phiếu gạo phần nào đến từ việc kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp không đạt như kỳ vọng, dù những tín hiệu tích cực liên tiếp xuất hiện. Nhìn chung, các doanh nghiệp ngành gạo đều ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đi lùi. Nguyên nhân chính do chi phí lãi vay/lợi nhuận gộp chiếm tỷ trọng lớn nên đã bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp.

Cổ phiếu gạo “bình thản” trong mùa vàng xuất khẩu ảnh 2

Cho cả năm 2023, theo Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS), ngành gạo được kỳ vọng sẽ tăng trưởng bứt phá nhờ được hưởng lợi từ việc giá gạo tiếp tục tăng do nguồn cung thâm hụt và nhu cầu nhập khẩu tăng.

Bên cạnh đó, nhiều đối tác có thể tìm nguồn hàng mới từ Việt Nam do đồng Baht của Thái Lan tăng giá làm giảm lợi nhuận của các nhà phân phối nước ngoài. Giá phân bón cũng được kỳ vọng giảm dần trong năm 2023 giúp cải thiện biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Mặt khác, lãi vay tăng mạnh thời gian qua đã bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Vì vậy, việc lãi suất giảm giúp doanh nghiệp bớt áp lực về chi phí tài chính và cải thiện lợi nhuận.

VFS khuyến nghị, đối với Tập đoàn Lộc Trời (LTG), việc ký kết Hiệp định EVFTA sẽ mở ra cơ hội cho LTG vào thị trường EU, song song với Trung Quốc mở cửa sẽ thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường này. Ngoài ra, việc sáp nhập CTCP Lương thực Lộc Nhân giúp tăng công suất kỳ vọng mảng lương thực sẽ là động lực tăng trưởng chính cho LTG trong năm nay. Công ty Lộc Nhân hiện đang sở hữu 3 nhà máy sản xuất với doanh thu năm 2022 ước tính đạt gần 8.000 tỷ đồng.

VFS ước tính, cả năm 2023, LTG sẽ ghi nhận 14.028,73 tỷ đồng doanh thu và 465,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng trưởng 20% và 13% so với cùng kỳ năm ngoái. EPS đạt 5.780 đồng.

Ngoài ra, TAR sẽ được hưởng lợi từ giá gạo xuất khẩu tăng mạnh. Tỷ trọng xuất khẩu của TAR đang chiếm 15% tổng doanh thu, trong đó thị trường xuất khẩu gạo chính là Trung Quốc. TAR sẽ được hưởng lợi từ việc Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam giúp doanh thu doanh nghiệp được cải thiện.

VFS tính toán, TAR sẽ ghi nhận 3.994,14 tỷ đồng doanh thu và 79,88 tỷ đồng lãi ròng năm nay, lần lượt tăng trưởng 5,1% và 13,9% so với cùng kỳ năm trước. EPS đạt 1.020 đồng.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn


CÔNG TY THÀNH VIÊN

© HOCVIENDAUTU.EDU.VN ALL RIGHTS RESERVED
GIAO DỊCH FOREX
GIAO DỊCH CRYPTO