Sức bền tốt hơn dự báo của nền kinh tế toàn cầu đang mở ra một số chủ đề đầu tư mới năm 2024, từ việc “cưỡi con sóng lớn” AI, cho tới gia nhập thị trường tín dụng tư nhân. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm với rủi ro và nhà đầu tư cần chịu trách nhiệm cho lựa chọn của mình.
Sóng lớn AI
Cơ hội
Sau một năm xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông, trong mọi cuộc chuyện trò từ giới doanh nhân tới đại chúng, nhiều người đã cảm thấy “mệt” khi nghe tới Trí tuệ nhân tạo (AI). Tuy nhiên, không thể phớt lờ câu chuyện này, bởi đây là một trong các chủ đề đầu tư chính năm 2024.
Nhiều lãnh đạo phố Wall tin rằng, AI sẽ tạo nên sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời cũng là “cơn sốt đào vàng” mới trong bối cảnh hiện đại, tương tự như giai đoạn nhà đầu tư phấn khích với sự ra đời của internet.
Cụ thể hơn, báo cáo của Gartner cho thấy, đầu tư cho công nghệ trên toàn cầu sẽ đạt 5.100 tỷ USD năm 2024, tăng 8% so với năm 2023. Trong đó, lĩnh vực phần mềm và dịch vụ công nghệ sẽ chứng kiến tăng trưởng 2 con số, chủ yếu nhờ sự bùng nổ của AI, khi các doanh nghiệp đều muốn nhanh chóng đầu tư, ứng dụng AI vào hoạt động.
Janice Quek và Angelo Zino, nhà phân tích tại CFRA Research cho biết, lợi ích chính trong giai đoạn trỗi dậy của AI đối với nhà đầu tư năm 2024 chính là sự gia tăng ngân sách đầu tư cho công nghệ. Theo đó, các công ty có sản phẩm liên quan tới AI, dịch vụ Cloud sẽ ở vị thế tốt để trở thành tâm điểm của làn sóng chi tiêu cho công nghệ.
Rủi ro
Trong khi giới kinh doanh rất phấn khích với động lực mới tới từ lĩnh vực công nghệ nói chung và sự bùng nổ AI nói riêng, các kỹ sư công nghệ và người trong ngành lại giữ thái độ thận trọng. George Mateyo, Giám đốc đầu tư tại Key Private Bank cho biết, tất cả các thành viên thị trường đều đồng lòng về việc AI sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp tại mọi lĩnh vực, từ chăm sóc sức khoẻ, sản xuất tới dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, điểm mấu chốt là tiềm năng của AI sẽ “chuyển hoá” thành tăng trưởng lợi nhuận như thế nào năm 2024 và đây là điều không ai có thể trả lời.
“Chu kỳ đón nhận AI khá ngắn và chúng ta đều nhận thấy. Sự chấp nhận và chào đón AI diễn ra nhanh chóng hơn so với smartphone và máy tính bàn trước đây. Dù diễn biến này tích cực, nhưng tôi nghĩ rằng, có lẽ thị trường đang quá lạc quan đối với các khoản đầu tư có gắn với AI sẽ tăng trưởng trong năm 2024”, George Mateyo chia sẻ.
Cùng quan điểm, Sue Crotty, Giám đốc đầu tư tại Segal Marco Advisor cho biết: “Trong dài hạn, AI sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi, nhưng hiện tại chủ yếu là phấn khích ban đầu và AI mới chỉ ở phần nổi, tính gắn kết với thực tiễn hoạt động có nhiều khác biệt”.
Thời hoàng kim của tín dụng tư nhân đang đến
Cơ hội
Một chủ đề đầu tư khác năm 2023 là sự trỗi dậy của tín dụng tư nhân. Môi trường lãi suất cao hơn khiến chi phí vốn của các nhà băng gia tăng trong những năm gần đây. Điều này ảnh hưởng tới hoạt động cho vay và thúc đẩy tín dụng ra thị trường.
Trong bối cảnh này, tín dụng tư nhân chính là cứu cánh đối với các doanh nghiệp hoặc dự án bất động sản cần thêm vốn.
Thị trường tín dụng tư nhân đã tăng trưởng lên quy mô 1.600 tỷ USD trong những năm gần đây, theo số liệu từ BlackRock. Đà tăng được dự báo sẽ tiếp tục với khả năng đạt tới quy mô 2.800 tỷ USD vào năm 2028, theo nghiên cứu của Preqin, thậm chí có thể đạt 3.500 tỷ USD theo ước tính của BlackRock.
Việc không tiếp cận được tín dụng ngân hàng đã khiến nhiều doanh nghiệp, dự án bất động sản vật lộn tìm kênh cung ứng vốn khác, trong đó có thị trường vốn tư nhân. Ben Miller, người đồng sáng lập và CEO Fundrise cho biết, nhiều đơn vị chủ yếu tập trung vào thị trường cho vay tư nhân và có thể nhận về lãi suất lên tới 14% đối với các khoản vay.
“Môi trường lãi suất cao chưa tác động tới nhiều doanh nghiệp và cá nhân, ít nhất đối tượng này vẫn chống chọi được cho tới năm nay. Mọi chuyện có thể khác đi và tín dụng tư nhân sẽ là cứu cánh”, Miller cho biết.
Rủi ro
Rủi ro tại thị trường tín dụng tư nhân rõ ràng ở mức cao. Rich Steinberg, chiến lược gia trưởng tại Colony Group cho biết, mức lãi suất từ 9 – 14% có thể sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường và điều này đang diễn ra. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần có chiến lược phân bổ danh mục đầu tư hợp lý và theo đuổi cơ hội tại thị trường vốn tư nhân một cách cẩn trọng.
“Không giống như thị trường ngân hàng truyền thống, thị trường vốn tư nhân tập trung vào nhóm khách hàng nhỏ, thiếu sự kiểm soát chặt chẽ và tính thiếu minh bạch của thị trường tạo nên nhiều rủi ro”, Thượng nghị sỹ Sherrod Brown, Chủ tịch Uỷ ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ đã lên tiếng cảnh báo.
Nhóm vốn hoá nhỏ hồi sinh
Cơ hội
Trong những năm gần đây, nhóm vốn hoá nhỏ tăng trưởng thấp hơn các doanh nghiệp vốn hoá lớn, nhưng có nhiều lý do để các chuyên gia tin rằng, tình thế sẽ thay đổi năm 2024.
Tom Lee, người đồng sáng lập Fundstrat Global Advisor mới đây nhận định, chỉ số Russell 200, bao gồm các cổ phiếu vốn hoá nhỏ, có thể tăng 50% trong năm 2024 khi lãi suất đã đạt tới đỉnh và bước vào chu kỳ giảm.
Nhóm vốn hoá nhỏ thường sở hữu tỷ lệ nợ lớn so với vốn, do vậy chịu nhiều thiệt hại khi chi phí vay vốn tăng lên những năm qua. Tuy nhiên, điều này sẽ chấm dứt. Đáng chú ý, cơ hội đầu tư cũng mở ra khi định giá của nhóm cổ phiếu này đang ở mức hấp dẫn.
Ronald Temple, chiến lược gia trưởng tại Lazard cho biết, ông cũng nhìn thấy cơ hội tại nhóm vốn hoá nhỏ và tin rằng chu kỳ đảo ngược đang bắt đầu. Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu bước vào chu kỳ hạ lãi suất, nhóm vốn hoá nhỏ sẽ được hưởng lợi nhiều hơn so với vốn hoá lớn.
Xét về định giá, nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ đang ở mức hấp dẫn hơn nhiều nhóm vốn hoá lớn. Thậm chí, nhóm vốn hoá lớn vừa trải qua đà tăng tích cực và bị nhận xét đã ở mức định giá quá cao.
Rủi ro
Dù nhóm vốn hoá nhỏ có cơ hội để hồi sinh năm 2024, nhưng thực tế là các doanh nghiệp này đã chịu nhiều tổn thất. Năm 2023, khoảng 40% công ty trong chỉ số Russell 2000 báo lỗ, theo số liệu của Lazard. Và nhiều doanh nghiệp cần tái cơ cấu tài chính, xử lý các khoản nợ để có thể được hưởng lãi suất ở mức thấp hơn. Sự kết hợp giữa tăng trưởng lợi nhuận yếu và chi phí lãi vay cao sẽ là thử thách lớn năm 2024 với nhóm vốn hoá nhỏ.
Một vấn đề khác là các công ty zombie đang gia tăng về số lượng. David Trainer, CEO New Constructs – doanh nghiệp chuyên theo dõi số liệu công ty zombie trong nhiều năm cho biết, môi trường lãi suất cao sẽ là cú nổ khiến nhiều doanh nghiệp phá sản. Mới đây, sự sụp đổ của WeWork – từng là doanh nghiệp khởi nghiệp quy mô chục tỷ USD trở thành một tín hiệu cảnh báo.
“WeWork phá sản chỉ là mở đầu của làn sóng công ty zombie sụp đổ. Nhà đầu tư cần tập trung vào công ty có khả năng tạo ra lợi nhuận, thay vì các doanh nghiệp “bán” hình ảnh và mô hình kinh doanh. Các doanh nghiệp “đốt tiền” từ vốn đầu tư không được xem là một mô hình kinh doanh”, David Trainer cho biết.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn