Thời điểm cuối quý 2, số dư tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn của Thế Giới Di Động lên đến hơn 24.400 tỷ đồng (~1 tỷ USD), tăng 4.600 tỷ so với cuối quý 1 và cao hơn 10.200 tỷ so với cuối năm 2022.
MWG:
Giá hiện tại
Thay đổi
Xem hồ sơ doanh nghiệp
CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 với doanh thu thuần đạt 29.465 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cao hơn gần 9% so với quý trước. Như vậy, doanh nghiệp bán lẻ này đã chấm dứt chuỗi 4 quý liên tiếp sụt giảm doanh thu so với quý liền trước.
Dù vậy, biên lãi gộp lại tiếp tục bị thu hẹp xuống chỉ còn 18,5% so với mức 21,4% cùng kỳ năm ngoái và 19,2% trong quý trước. Đây là mức biên lãi gộp thấp theo quý thấp nhất của Thế Giới Di Động kể từ quý 3/2019. Chỉ tiêu này giảm mạnh sau khi chiến dịch “giá rẻ quá” được tung ra từ cuối quý 1.
Sức mua điện thoại điện máy nói chung suy yếu từ quý 4/2022 và chưa có dấu hiệu hồi phục trong nửa đầu năm 2023 (ngoại trừ máy lạnh và quạt). Để thu hút khách hàng mới (nhóm chưa được phục vụ hoặc nhạy cảm về giá), Thế Giới Di Động đã thực hiện chiến dịch “giá rẻ quá” từ cuối tháng 3/2023 với các khuyến mãi hấp dẫn.
Lợi nhuận gộp tương ứng đạt 5.441 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ các chi phí, Thế Giới Di Động lãi ròng vỏn vẹn 17 tỷ đồng trong quý 2, giảm 98% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong một quý của doanh nghiệp bán lẻ này kể từ khi lên sàn chứng khoán năm 2014.
Với việc thủng đáy lợi nhuận nhuận, Thế Giới Di Động đã có 6 quý liên tiếp ghi nhận lãi ròng sụt giảm so với quý liền trước. Tuy nhiên, đà giảm lợi nhuận so với quý trước đã chậm lại và ít nhất doanh nghiệp này vẫn còn có lãi trong khi một đối thủ trong cuộc chiến giá rẻ là FPT Retail (FRT) lỗ nặng trong quý 2 vừa qua.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Thế Giới Di Động ghi nhận doanh thu thuần đạt 56.571 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 39 tỷ đồng, lần lượt giảm 20% và 98% so với cùng kỳ. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp đã hoàn thành 42% kế hoạch doanh thu (135.000 tỷ) nhưng mới thực hiện vỏn vẹn chưa đến 1% mục tiêu lợi nhuận (4.200 tỷ) cả năm đề ra.
Trong cơ cấu doanh thu nửa đầu năm, chuỗi Thế giới Di động và Topzone đóng góp 13.351 tỷ đồng (tỷ lệ 23,6%) và Điện Máy Xanh mang về 28.228 tỷ đồng (chiếm 49,9%). Tổng doanh thu 2 chuỗi giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, doanh thu chuỗi Bách hóa Xanh tăng 7% so với nửa đầu năm 2022, đạt mức 13.600 tỷ đồng. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp trong năm 2023 doanh thu từ Bách Hoá Xanh vượt chuỗi Thế Giới Di động.
Lượng tiền nắm giữ tăng cao kỷ lục
Một điểm đáng chú ý là dù đang trong cuộc chiến giá rẻ “hao tài, tốn lực”, lượng tiền mặt (tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn) trong tay Thế Giới Di Động lại liên tục tăng mạnh. Đến cuối quý 2, số dư tiền mặt của doanh nghiệp bán lẻ này lên đến hơn 24.400 tỷ đồng (~1 tỷ USD), cao nhất trong lịch sử hoạt động. Con số này đã tăng 4.600 tỷ so với cuối quý 1 và cao hơn 10.200 tỷ so với cuối năm 2022.
Khoản tiền gửi khổng lồ đã mang về cho Thế Giới Di Động đến hơn 809 tỷ đồng tiền lãi trong 6 tháng đầu năm, tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn thu trên đã đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh giúp doanh nghiệp bán lẻ này thoát lỗ trong bối cảnh phải căng mình giữa cuộc chiến giá rẻ từ quý 2.
Mặt khác, nợ vay tài chính của Thế Giới Di Động cũng đã tăng hơn 5.600 tỷ đồng so với đầu năm, lên mức 22.200 tỷ đồng tại thời điểm 30/6. Sự gia tăng chủ yếu đến từ nợ vay ngắn hạn từ dưới 10.700 tỷ đầu năm lên trên 16.300 tỷ đồng vào cuối quý 2. Trong khi đó, nợ dài hạn biến động không đáng kể quanh mức 5.900 tỷ đồng.
So với cùng thời điểm năm ngoái, tổng nợ vay tài chính của Thế Giới Di Động là tương đương. Tuy nhiên, cơ cấu đã thay đổi với sự xuất hiện của khoản nợ dài hạn trong khi thời điểm giữa năm ngoái chưa phát sinh. Điều này phần nào lý giải cho việc chi phí lãi vay trong nửa đầu năm nay đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, bên cạnh yếu tố lãi suất.
Thời điểm 30/6, tổng tài sản của Thế Giới Di Động đã tăng hơn 3.500 tỷ so với đầu năm lên gần 59.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, hàng tồn kho đã giảm gần 4.000 tỷ đồng so với đầu năm, xuống mức gần 22.000 tỷ đồng. Cùng với đó, dự phòng giảm giá hàng tồn kho cũng đã giảm từ 360 tỷ hồi đầu năm xuống 280 tỷ đồng. Số lượng nhân viên vẫn ở mức hơn 68.000 người, tương đương cuối quý 1 nhưng giảm gần 6.000 người so với đầu năm.
Nửa đầu năm 2023, doanh thu Thế Giới Di Động giảm 20% so với cùng kỳ, tiền từ bán thịt, cá, rau… nhiều hơn bán điện thoại, máy tính
Theo Cafef