VN-Index lên trên 1.275 điểm; Doanh nghiệp đau đầu vì tỷ giá; Không dễ tăng tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức; Lấy ý kiến về việc nhà đầu tư nước ngoài không cần phải ký quỹ 100%; BOJ sẽ làm gì tiếp theo sau khi thoát khỏi lãi suất âm?…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 21/3 tăng 400.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã đảo chiều giảm mạnh 1 triệu đồng/lượng, hiện đứng ở mức 78,80 – 80,82 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 28,8 USD lên 2.186,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng và lên 2.200 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,45 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 21/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.005 đồng/USD, tăng 6 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.610 – 24.950 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm xuống 63.300 USD thì sang phiên hôm nay đã hồi phục lên trên 68.000 USD, trước khi lùi về 67.000 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,23 USD (-0,28%), xuống 81,04 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,20 USD (-0,23%), xuống 85,75 USD/thùng.
VN-Index tăng lên 1.275 điểm
Sau phiên sáng tăng khá tích cực và thanh khoản cải thiện, thị trường bước vào phiên chiều đã chững lại. VN-Index gần như chỉ đi ngang quanh ngưỡng 1.270 điểm, trước khi nhóm ngân hàng, bất động sản bật lên, giúp chỉ số tăng lên trên 1.275 điểm khi đóng cửa.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 9,11 triệu đơn vị, nhưng tổng giá trị vẫn là bán ròng 276,14 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 21/3: VN-Index tăng 16,34 điểm (+1,30%), lên 1.276,42 điểm; HNX-Index 3,12 điểm (+1,31%), lên 241,14 điểm; UpCoM-Index tăng 0,27 điểm (+0,30%), lên 90,82 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên thứ Tư (20/3), sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cho biết giữ nguyên lãi suất và dự báo vẫn có khả năng cắt giảm lãi suất tổng cộng 0,75% vào cuối năm 2024.
10 trong số 19 quan chức của Fed vẫn thấy lãi suất chính sách cần giảm ít nhất 0,75% vào cuối năm nay.
Kết thúc phiên 20/3: Chỉ số Dow Jones tăng 401,37 điểm (+1,03%), lên 39.51,13 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 46,11 điểm (+0,89%), lên 5.224,62 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 202,62 điểm (+1,25%), lên 16.369,41 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục mới và đồng yên tăng trở lại từ mức thấp nhất trong bốn tháng, sau khi Fed dự báo khả năng cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,03% lên 40.815,66 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,64% lên 2.796,21 điểm.
“Các thông báo chính sách của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) và Fed đã bật đèn xanh cho các nhà đầu tư mua mạnh cổ phiếu, dựa trên các chất xúc tác cơ bản tương tự thúc đẩy thị trường trong năm qua là quản trị doanh nghiệp tốt hơn, thoát khỏi tình trạng giảm phát”, Yunosuke Ikeda, chiến lược gia cổ phiếu trưởng của Nomura, cho biết
BOJ nhận thấy dư địa cho một đợt tăng lãi suất đầu tiên trong năm nay, với dự báo vào tháng 7 hoặc tháng 10 là những tháng tiềm năng, tờ Nikkei đưa tin.
Trên thị trường trái phiếu lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) bản kỳ hạn 2 năm tăng 2,5 điểm cơ bản (bps) lên 0,185%, phục hồi từ mức thấp nhất trong hai tuần hôm thứ Ba, trong khi lợi suất kỳ hạn 5 năm tăng 3 bps lên 0,385%, từ mức đáy ba tuần.
Lợi suất JGB kỳ hạn 10 năm tăng 1,5 bps lên 0,74%. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 20 năm tăng 1 bp lên 1,505% và lợi suất kỳ hạn 30 năm tăng 0,5 bp lên 1,805%.
Chứng khoán Trung Quốc giảm nhẹ, khi tâm lý nhà đầu vẫn thận trọng sau quyết định giữ nguyên lãi suất chuẩn vào ngày hôm qua.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,08% xuống 3.077,11 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,12% xuống 3.581,09 điểm.
Chứng khoán Hồng Kông tăng, sau khi Fed tái khẳng định triển vọng ôn hòa trong khi vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,93% lên 16.863,10 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,75% lên 5.905,27 điểm.
Fed đã giữ nguyên lãi suất mục tiêu ở mức 5,25% đến 5,5% và dự kiến ba đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, nói rằng áp lực lạm phát đã giảm bớt “đáng kể”.
Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA), có chính sách khóa chặt với Fed cũng đã giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 5,75% vào thứ Năm.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng vọt, nhờ sự lạc quan xung quanh khả năng cắt giảm lãi suất của Fed trong năm nay. Đóng cửa, chỉ số Kospi tăng 64,72 điểm, tương đương 2,41% lên 2.754,86 điểm.
Các cổ phiếu lớn đều khởi sắc với Samsung Electronics tăng 3,12%, trong khi SK hynix tăng 8,63%. Hyundai Motor tăng 4,56%, LG Energy Solution tăng 1,5%, trong khi Samsung SDI tăng 0,55%.
Kết thúc phiên 21/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 812,06 điểm (+2,03%), lên 40.815,66 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 2,57 điểm (-0,08%), xuống 3.077,11 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 320,03 điểm (+1,93%), lên 16.863,10 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 64,72 điểm (+2,41%), lên 2.754,86 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
– Doanh nghiệp đau đầu vì tỷ giá
Đúng như dự báo, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tiếp tục giữ nguyên lãi suất trong phiên họp chính sách vừa kết thúc hôm 20/3, đồng nghĩa với việc đồng bạc xanh tiếp tục neo cao. Trong nước, tỷ giá có xu hướng tăng, khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại..>> Chi tiết
– Không dễ tăng tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức
Theo kinh nghiệm từ nhiều thị trường đi trước, thị trường chứng khoán sẽ khó phát triển bền vững nếu hơn 90% tỷ trọng giao dịch nằm trong tay nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, đẩy mạnh phát triển nhà đầu tư tổ chức là công việc không dễ thực hiện..>> Chi tiết
– Uỷ ban Chứng khoán lấy ý kiến về việc nhà đầu tư nước ngoài không cần phải ký quỹ 100%
Vấn đề ký quỹ của nhà đầu tư nước ngoài – một trong hai vấn đề đang “ngăn cản” thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi dự kiến sẽ thay đổi khi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đề xuất sửa đổi quy định..>> Chi tiết
– BOJ sẽ làm gì tiếp theo sau khi thoát khỏi lãi suất âm?
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm, báo trước sự khởi đầu khỏi kỷ nguyên nới lỏng tiền tệ chưa từng có..>> Chi tiết
Theo tinnhanhchungkhoan.vn