Từ trung tuần tháng 7 đến nay, cổ phiếu NVL của Novaland đã tăng hơn 37% thị giá, tương ứng vốn hóa thị trường có thêm 10.700 tỷ chỉ sau chưa đầy 3 tuần giao dịch.
NVL:
Giá hiện tại
Thay đổi
Xem hồ sơ doanh nghiệp
Cùng với sự khởi sắc của thị trường chung, cổ phiếu NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland – mã NVL) cũng tiếp tục nối dài đà tăng mạnh trong phiên chính thức rời rổ chỉ số VN30.
Sau 4 phiên tăng liên tiếp, NVL đã leo lên mức 20.200 đồng/cp, cao nhất trong vòng 8 tháng. Từ trung tuần tháng 7 đến nay, cổ phiếu này đã tăng hơn 37% thị giá, tương ứng vốn hóa thị trường có thêm 10.700 tỷ chỉ sau chưa đầy 3 tuần giao dịch, đạt hơn 39.300 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh quý 2, Novaland ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất hơn 1.040 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ. Doanh thu chủ yếu đến từ bàn giao bất động sản bán hàng đạt 927 tỷ đồng. Con số này được ghi nhận từ việc bàn giao tại các dự án như NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, Aqua City, Palm City, Saigon Royal và Victoria Village. Sau khi trừ chi phí, Novaland lỗ ròng 201 tỷ đồng quý 2, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 772 tỷ đồng.
Về hoạt động cơ cấu nợ, tính đến ngày 30/6, Novaland đã đạt thỏa thuận thanh toán gốc và lãi cho gần 600 tỷ đồng nghĩa vụ trái phiếu bán lẻ bằng tài sản khác (sản phẩm tại các dự án mà Novaland đang phát triển). Đồng thời, tập đoàn đã gia hạn thành công thời hạn thanh toán gốc lãi hai gói trái phiếu với tổng giá trị phát hành 2.300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Novaland đã điều chỉnh kỳ hạn 21 gói trái phiếu từ 36 lên 48 tháng với tổng giá trị phát hành 7.000 tỷ đồng.
Trong báo cáo phân tích công bố mới đây Chứng khoán BSC cho biết áp lực trái phiếu đạo hạn với Novaland tập trung vào tháng 8 (3.840 tỷ đồng), tháng 9 (2.157 tỷ đồng) và tháng 12/2023 (500 tỷ đồng). Tuy nhiên, kỳ vọng việc thông suốt pháp lý tại các đại dự án và tác động của Nghị định 08/2023/NĐ-CP giúp các trái chủ và chủ nợ sẽ nhìn nhận lại khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Điều này phần nào thể hiện qua việc Novaland đã có thể tái khởi động lại một số dự án, tái tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng và nhà thầu thi công.
Theo BSC, mặc dù áp lực thanh khoản vẫn còn hiện hữu, nhưng giai đoạn khó khăn nhất với Novaland đã qua nhờ sự quyết tâm của Chính phủ trong việc giải quyết vướng mắc pháp lý dự án nhằm khôi phục ngành bất động sản.
Theo đó, ngày 3/8/2023, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đã (1) chấp thuận cho phép Novaland bán nhà ở hình thành trong tương lai một phần tại phân khu I và V dự án Aqua City và (2) cho phép Novaland lập/trình thẩm định điều chỉnh quy hoạch dự án 1:500. Đây sẽ là tiền đề để Đồng Nai và các địa phương khác bắt đầu thực hiện gỡ vưỡng pháp lý dưới sự hướng dẫn của các Bộ/Ban ngành và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ.
BSC cho rằng khi pháp lý dự án được khai thông, (1) nguồn tiền gửi tại các ngân hàng sẽ được “mở khóa” để giải tỏa áp lực thanh khoản trong ngắn hạn của Novaland, (2) khả năng đàm phán giãn nợ sẽ thuận lợi hơn (hỗ trợ bởi Nghị định 08/2023/NĐ-CP), (3) khả năng tiếp cận vốn ngân hàng cao hơn (hỗ trợ bởi Thông tư 02/2023/TT-NHNN) và (4) doanh nghiệp đủ khả năng tiếp tục triển khai các dự án, bàn giao và thanh toán nợ.
Lãi suất kỳ vọng tiếp tục hạ nhiệt là “liều doping” giúp chứng khoán duy trì đà hưng phấn
Theo Cafef