Cuộc đua tăng vốn của các công ty chứng khoán chưa ngừng lại khi sau khi VNDIRECT và ORS vừa công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu…
Cuộc đua tăng vốn chưa có hồi kết
Trong quý II vừa qua, công ty chứng khoán (CTCK) TCBS đã thực hiện một đợt tăng vốn “khủng” tới hơn 10.500 tỷ đồng, qua đó nâng vốn chủ sở hữu của TCBS lên 22.004 tỷ đồng. Với việc SSI phải chi trả cổ tức khoảng 1.500 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu giảm trong quý này, TCBS đã tạm thời trở thành CTCK có vốn chủ sở hữu lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sự kiện TCBS chỉ là một lát cắt trong câu chuyện liên tục tăng vốn của các công ty chứng khoán đang hoạt động. Trước TCBS, các công ty chứng khoán như VND, SSI, VCI, VIX hay nhóm liên quan tới các Ngân hàng như SHS, MBS, BSI, VPBankS đều tận dụng 2 năm bùng nổ của thị trường chứng khoán để tăng vốn một cách khẩn trương. Đợt tăng vốn “khủng” gần nhất thuộc về VPBankS với việc hoàn tất tăng vốn hơn 15.000 tỷ đồng trong quý IV/2022 và đang là CTCK có vốn chủ sở hữu lớn thứ 3 thị trường.
Xa hơn là các đợt đổ bộ của các CTCK Hàn Quốc và Đài Loan vào thị trường Việt Nam cũng như sự vươn lên thần tốc của CTCK VPS từng khuấy động cuộc đua ngành chứng khoán.
Sự cạnh tranh hiện vẫn đang tiếp diễn khi CTCK VND vừa công bố sẽ triển khai phát hành gần 245 triệu cổ phiếu trong khi vẫn bỏ ngỏ kế hoạch phát hành riêng lẻ. Tính đến hết quý II/2023, vốn chủ sở hữu của VNDIRECT đứng thứ 4 trong ngành, đạt hơn 15.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, ORS cũng rất khẩn trương tăng vốn. CTCK này có kế hoạch tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng và tới đây sẽ thực hiện trước đợt phát hành 100 triệu cổ phiếu.
Sự “dễ tính có chọn lọc” của dòng tiền
Với các CTCK đã lên sàn, việc tăng vốn luôn gắn liền với các vận động tích cực của thị trường chứng khoán. Dòng tiền thường có sự hào hứng về đóng góp của thanh khoản thị trường vào các hoạt động như môi giới, cho vay margin, tự doanh, bảo lãnh phát hành… Và tất nhiên, bản thân câu chuyện phát hành cũng có tính hấp dẫn rất lớn.
Thực tế, một nhà đầu tư kỳ cựu cho biết dòng tiền cũng chỉ quan tâm tới lợi tức từ thị giá tăng (Capital gain) thay vì cổ tức hay hiệu quả hoạt động.
Theo thống kê từ 25 CTCK, kể từ quý I/2022, vốn chủ sở hữu đã tăng 96.500 tỷ đồng nhưng trong 9 quý sau đó, tổng lợi nhuận sau thuế chỉ là 33.340 tỷ đồng.
So sánh với cổ phiếu vốn hóa lớn số 1 thị trường chứng khoán Việt Nam là VCB, quy mô vốn chủ sở hữu tại 25 CTCK được thống kê đã vượt 10%, đạt 168.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong cả 2 năm bùng nổ của thị trường chứng khoán từ 2021-2022, chỉ có 2/8 quý lợi nhuận của nhóm CTCK này vượt qua lợi nhuận của VCB.
Hoặc đơn giản hơn, có thể nhìn vào ROE để đánh giá hiệu quả đồng vốn. Do chịu ảnh hưởng của thị trường và của việc pha loãng liên tục, các CTCK rất khó duy trì mức ROE trên 20%. Trong khi đó, VCB và một số ngân hàng thường xuyên duy trì mức ROE 20-25%.
Tất nhiên, sự so sánh giữa nhóm chứng khoán và ngân hàng là có phần khập khiễng, nhưng góc độ đầu tư dài hạn, đây vẫn là thao tác được đặt lên bàn cân trước khi ra quyết định và hành động.
Với nhà đầu tư kể trên, với quy mô vốn chủ sở hữu 168.000 tỷ đồng thì trong quý III/2023, nhóm này phải đạt mục tiêu tối thiểu là 4.200 tỷ đồng (tương đương 10%/năm), cao hơn lợi nhuận của 5 quý gần nhất.
Nhờ thị trường đã chuyển biến tích cực hơn, có thể kỳ vọng 25 CTCK sẽ dễ dàng vượt qua mức tối thiểu này. Tuy nhiên, cú hích thực sự về hiệu quả hoạt động có thể sẽ chỉ xuất hiện sau khi triển khai KRX, giao dịch T0, nâng hạng thị trường… Ở thời điểm hiện tại, nhiều nhà đầu tư vẫn sẽ ưu tiên “đánh sóng” hơn nắm giữ dài hạn các cổ phiếu Chứng khoán.
Chu kỳ tăng lãi suất trên toàn cầu đi đến cuối con đường, nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam cần lưu ý điều gì?
Theo Cafef