Đứt gãy giao thương quốc tế dần được nối lại cũng là lúc ngành logistics có sự phục hồi, trong khi quý cuối năm cũng là giai đoạn nước rút đối với cổ phiếu ngành này.
Cơ hội từ sự phục hồi
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, từ đầu năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu nói chung và xuất khẩu nói riêng có sự sụt giảm do sự thu hẹp của các thị trường quốc tế, nhưng dấu hiệu phục hồi đã xuất hiện. Do đó, từ nay đến cuối năm, hiệu quả hoạt động của ngành dự báo sẽ cải thiện dần. Các doanh nghiệp logistics cũng cho biết, lượng hàng hóa đang tăng trở lại, giúp ngành khôi phục hoạt động kinh doanh, dịch vụ.
Những năm qua, ngành công nghiệp logistics Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử. Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số công bố cho thấy, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ năm 2022 đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước và ước đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023, chiếm khoảng 8% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Đây được xem là tín hiệu đầy triển vọng với ngành logistics nói chung, nhóm doanh nghiệp logistics trên thị trường chứng khoán nói riêng.
Bình luận về triển vọng của ngành, ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao Dịch vụ tư vấn bất động sản, Savills Hà Nội cho hay, Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm sản xuất nổi bật của thế giới, mang đến nhiều hơn cơ hội cho ngành và doanh nghiệp logistics trong thời gian tới.
Trên thị trường chứng khoán, nhiều cổ phiếu logistics tăng giá khá tích cực từ đầu năm 2023 đến nay. Chẳng hạn, trên sàn HOSE, cổ phiếu GMD của Công ty cổ phần Gemadept tăng từ 46.000 đồng/cổ phiếu (phiên 3/1) lên 65.000 đồng/cổ phiếu (phiên 6/10), tức tăng hơn 41%; cổ phiếu PVT của Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí (PVTrans) tăng từ 22.400 đồng/cổ phiếu lên 27.600 đồng/cổ phiếu, tăng gần 23%; cổ phiếu HAH của Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An tăng từ 34.500 đồng/cổ phiếu lên 39.100 đồng/cổ phiếu, tăng 13,3%; cổ phiếu VOS của Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Viconship) tăng từ 11.800 đồng/cổ phiếu lên 13.100 đồng/cổ phiếu, tăng 11%…
Hay trên UPCoM, cổ phiếu CLL của Công ty cổ phần Cảng Cát Lái từ 25.500 đồng/cổ phiếu tăng lên 37.900 đồng/cổ phiếu, tương đương tăng gần 49%; cổ phiếu PHP của Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng từ 16.900 đồng/cổ phiếu tăng lên 23.200 đồng/cổ phiếu, tức tăng hơn 37%…
Ngược lại, cũng có những cổ phiếu giảm giá như cổ phiếu TMS của Công ty cổ phần Transimex giảm từ 61.800 đồng/cổ phiếu xuống 46.500 đồng/cổ phiếu, tức giảm 25%; cổ phiếu VSC của Công ty cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam giảm từ 30.200 đồng/cổ phiếu xuống 26.500 đồng/cổ phiếu, giảm 12%…
Tìm “điểm sáng” cuối năm
Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm sản xuất nổi bật của thế giới, mang đến nhiều hơn cơ hội cho ngành và doanh nghiệp logistics trong thời gian tới. Ông Thomas Rooney
Quản lý cấp cao Dịch vụ tư vấn bất động sản, Savills Hà Nội
Theo ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán AIS, cổ phiếu nhóm ngành logistics có đặc trưng là khá “cục bộ”, tập trung vào một số “ông lớn” như Gemadept, PVTrans, Viconship… Cùng với đó, so với các doanh nghiệp lĩnh vực khác, doanh nghiệp logistics trên sàn chứng khoán đa phần vốn hóa nhỏ, lượng cổ phiếu thấp và cô đặc nên khá “kén” nhà đầu tư.
“Do đặc thù riêng nên cổ phiếu nhóm ngành logistics có ít ‘tay chơi’”, ông Kiên cho hay. Tuy nhiên, khi đánh giá sâu hơn về cổ phiếu nhóm này, ông Kiên cho rằng, cuối năm 2023 và đầu năm 2024 là giai đoạn cổ phiếu logistics được hưởng lợi khi hoạt động thương mại, mua bán, xuất nhập khẩu được đẩy mạnh. Đây cũng là giai đoạn các doanh nghiệp ngành logistics có được “điểm rơi” lợi nhuận tốt – tương đồng với giai đoạn của thị trường chứng khoán kỳ vọng bật mạnh, từ đó mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư cổ phiếu.
Theo ông Kiên, dù không quá nổi bật trên thị trường, nhưng cổ phiếu logistics vẫn có những “điểm sáng”. Đơn cử như Gemadept, là một trong những doanh nghiệp đầu ngành, sở hữu nhiều kho bãi, cảng biển…, hiện cổ phiếu GMD đang ở trong vùng giá cao kỷ lục, bất chấp thị trường biến động. Nói cách khác, GMD đang cho thấy sức chống chịu khoẻ của một cổ phiếu tốt. Đặc biệt, với việc đều đặn chia cổ tức bằng tiền mặt từ 10-20% mỗi năm, cổ phiếu GMD càng trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
“Tôi cho rằng, cổ phiếu GMD sẽ còn lập đỉnh mới, có thể lên đến 75.000 đồng/cổ phiếu, nên rất tiềm năng với các nhà đầu tư trong tương lai”, ông Kiên nhấn mạnh.
Cũng theo ông Kiên, nhà đầu tư quan tâm tới cổ phiếu doanh nghiệp logistics trước tiên cần lưu ý các yếu tố cơ cấu cổ đông, số lượng cổ phiếu có thể lưu hành, chuyển nhượng, tính thanh khoản…, điều này đặc biệt quan trọng với những cổ phiếu đặc thù vì nếu nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu mà không giao dịch được thì sẽ khó luân chuyển dòng vốn, tiếp theo là tập trung vào các cổ phiếu đầu ngành, từ đó có thể giảm thiểu các rủi ro khi thị trường biến động.
Cùng góc nhìn, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá, trong giai đoạn cuối năm 2023 và đầu năm 2024, kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp logistics được dự báo khả quan hơn so với cùng kỳ năm trước nhờ hoạt động xuất nhập khẩu gia tăng. Hiện tại, hàng tồn kho tại Mỹ và châu Âu trong xu hướng giảm từ tháng 6/2022, nên càng về cuối năm, khả năng các thị trường này nhập hàng trở lại để phục nhu cầu tăng cao dịp cao điểm lễ tết cũng như cho mùa vụ năm sau càng cao.
Đơn cử như ngành dệt may, theo BSC, phần lớn doanh nghiệp lĩnh vực này cho biết tình hình đơn hàng trong quý IV/2023 sẽ tăng từ 15-20% so với đầu năm, một số doanh nghiệp đã nhận đơn tới mùa Xuân năm 2024. Trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu cải thiện theo tính mùa vụ, các doanh nghiệp ngành logistics cũng sẽ được hưởng lợi.
BSC nhận định, bối cảnh vĩ mô trong và ngoài nước sẽ tác động trực tiếp tới nhóm doanh nghiệp ngành logistics. Cụ thể, trên bình diện quốc tế, môi trường lãi suất cao tại Mỹ và châu Âu được dự báo kéo dài sang năm 2024, điều này sẽ kìm hãm sức mua của người dân và khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu khó hồi phục mạnh. Bên cạnh đó, nền kinh tế Trung Quốc được cho là sẽ phục hồi chậm sau cuộc khủng hoảng bất động sản. Vào đầu tháng 10/2023, Ngân hàng Thế giới WB đã giảm dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của nước này xuống mức 4,4% trong năm 2024, từ mức 4,8% đưa ra trước đó.
Ở trong nước, hoạt động sản xuất cũng như sức mua của người dân vẫn yếu. Điều này phản ánh qua tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm. Theo Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, dù có sự hồi phục khá mạnh trong tuần cuối tháng 9, từ 5,91% (ngày 21/9) lên 6,92% (ngày 29/9), nhưng tăng trưởng tín dụng toàn ngành vẫn chưa đạt một nửa mức cho phép cả năm nay (14%), trong khi chỉ còn 1 quý nữa để cung vốn ra. Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm, tình hình sản xuất và sức mua trong nước còn hạn chế, hoạt động kinh doanh của nhóm doanh nghiệp logistics khó tránh bị ảnh hưởng.
Đáng chú ý, hoạt động mua bán – sáp nhập lĩnh vực cảng biển diễn ra khá sôi nổi trong giai đoạn 2022-2023, chẳng hạn Viconship đã mua lại 35% cổ phần của Công ty TNHH Cảng Nam Đình Vũ từ Gemadept… và xu hướng này sẽ còn duy trì trong giai đoạn tới khi các cảng biển quy hoạch mới, có vị trí đẹp ngày càng khan hiếm.
Đưa ra khuyến nghị, BSC cho rằng, nếu lựa chọn cổ phiếu logistics, nhà đầu tư nên lưu ý các doanh nghiệp cảng biển có tài sản tốt, định giá đang được chiết khấu cao do phản ánh kỳ vọng của thị trường chứng khoán về bối cảnh vĩ mô chưa thực khởi sắc từ nay tới nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, trong dài hạn, hoạt động xuất nhập khẩu nói chung và ngành cảng biển Việt Nam nói riêng được dự báo tích cực nhờ xu hướng dịch chuyển sản xuất từ bên ngoài vào, nên hiện tại là thời điểm thích hợp để tích lũy cổ phiếu.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn