Đà giảm của thị trường tiếp tục mở rộng khi tâm lý nhà đầu tư đang chuyển hướng khá tiêu cực, do diễn biến khó lường ở cuối phiên trong những ngày gần đây, thêm vào đó, hôm nay là phiên đáo hạn phái sinh càng khiến thị trường có thêm lý do để thận trọng.
Thị trường sau phiên sáng trải qua rung lắc và giảm điểm nhẹ, nhưng tâm lý nhà đầu tư có phần tích cực hơn khi giao dịch sôi động giúp thanh khoản có sự trở lại khá mạnh mẽ.
Tuy nhiên, áp lực bán đã bất ngờ gia tăng rất mạnh sau thời điểm 14h, VN-Index có thời điểm đã lao mạnh rơi gần 35 điểm, nhưng sau đó lực bán có phần dịu lại, giúp chặn đà rơi của thị trường và lực cầu bắt đáy trong phiên ATC đã kéo VN-Index đóng cửa trên đường MA200 quanh 1.110 điểm.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 19/10, lực bán đã quay trở lại trên diện rộng và thêm một số bluechip nới đà giảm như MSN, VNM, VIC đã khiến VN-Index tiếp tục giảm và đang test lại ngưỡng hỗ gần 1.090 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.
Sắc đỏ chi phối rất mạnh bảng điện tử, với một số cổ phiếu bất động sản đang là tâm điểm như NHA, HAR, DIG, AGG, OGC, DLG, VCG, PDR, HHV, PTL, LGL…giảm từ hơn 2% đến gần 5%.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán cũng có tín hiệu suy yếu nhanh với gần như toàn bộ các mã trên HOSE đều đang nới đà đi xuống, với các mã SSI, VND, CTS, BSI, AGR, APG đã mất 3-4%.
Trong khi lác đác vài sắc xanh trong số những mã có khối lượng khớp lệnh cao nhất sàn như CII, DXG, PVD, HDC, ITA, HAH, nhưng mức tăng cũng chỉ khiêm tốn.
Áp lực bán tiếp tục gia tăng mạnh khiến VN-Index có thời điểm thủng mốc 1.090 điểm và đã bật hồi đôi chút ngay khi để mất vùng giá này.
Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 9,14 điểm (-0,83%), xuống 1.094,26 điểm với 97 mã tăng, trong khi có 374 mã giảm. Tổng khối giao dịch đạt hơn 313 triệu đơn vị, giá trị 6.752,64 tỷ đồng, giảm 17,65% về khối lượng và 15,23% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,29 triệu đơn vị, giá trị 423,91 tỷ đồng, riêng FPT thỏa thuận hơn 2,58 triệu đơn vị, giá trị 242,77 tỷ đồng.
Nhóm VN30 vẫn đóng vai trò là gánh nặng chính khi chốt phiên giảm hơn 11 điểm với 22 mã giảm và chỉ còn 6 mã giữ được sắc xanh. Trong đó, GVR tăng tốt nhất là 1%, còn lại PLX, BID, MBB, SAB, FPT chỉ nhích nhẹ trên dưới 0,5%.
Ở chiều ngược lại, các mã lớn VNM, SSI, VIC, MSN, MWG đều giảm hơn 2%. Trong đó, VIC và VNM tác động mạnh nhất khi cùng lấy đi hơn 1 điểm của chỉ số chung.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, một số mã bất động sản đã đảo chiều khởi sắc về cuối năm, điển hình là DXG chốt phiên tăng 3,2% lên mức 16.000 đồng/CP và khớp 8,13 triệu đơn vị, hay NVL và PDR phục hồi sắc xanh với mức tăng đều đạt gần 1%.
Điểm đáng nói chính là đà bán tháo đã không còn khi toàn sàn HOSE chỉ có 8 mã giảm sàn, đều là các mã nhỏ lẻ như PMG, SMA, VNE, SRC… Trong đó DLG tiếp tục bị bán tháo và có thêm phiên nằm sàn với khối lượng khớp 3,41 triệu đơn vị cùng dư bán sàn 0,87 triệu đơn vị; còn VNE có phiên giảm thứ 8 và cũng là phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp với lượng dư bán sàn hơn 2,4 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, trong bối cảnh thị trường chung khá xấu, không có nhóm cổ phiếu nào ngược dòng thành công khi tất cả đều đã chuyển đỏ.
Trong đó, nhóm “đồng cảm” với thị trường nhất vẫn là chứng khoán. Ngoại trừ TVS và TVB giữ được mốc tham chiếu, còn lại đều mất điểm. Đáng chú ý, cặp đôi lớn là SSI và VND đều giảm hơn 2,5%, thanh khoản sôi động nhất thị trường khi lần lượt đạt 16,37 triệu đơn vị và 13,11 triệu đơn vị.
Cổ phiếu ngược dòng nhóm chứng khoán trong phiên hôm qua là VIX đã rung lắc trong suốt cả phiên sáng và chốt phiên giảm nhẹ 0,3% xuống mức 14.800 đồng/CP, thanh khoản cũng thuộc top đầu của ngành với 10,77 triệu đơn vị khớp lệnh thành công.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ điều chỉnh nhẹ, nhờ diễn biến ngược dòng thị trường chung của một số mã như BID, MBB, EIB, LPB, OCB đều chốt phiên tăng nhẹ.
Trên sàn HNX, thị trường cũng ghi nhận phiên giảm điểm khá mạnh khi sắc đỏ bao phủ trên diện rộng bảng điện tử.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 2,61 điểm (-1,15%) xuống 224,5 điểm với 45 mã tăng và 115 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 38,95 triệu đơn vị, giá trị 723,83 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,85 triệu đơn vị, giá trị đạt 64,76 tỷ đồng.
Nhóm chứng khoán trên HNX cũng đồng loạt giảm, trong đó SHS chốt phiên giảm 1,8% với thanh khoản vẫn vượt trội nhất, đạt 10,29 triệu đơn vị; các cổ phiếu khác như MBS giảm 1%, EVS giảm 2,5%, APS giảm 1,5%… Ngoại trừ BVS ngược dòng thành công nhưng chốt phiên cũng chỉ tăng nhẹ 0,4%.
Ngoài ra, nhiều mã đáng chú ý khác tiếp tục giao dịch không mấy khả quan như PVS giảm 2,3%, HUT giảm 3,2%, IDC giảm 2,5% với thanh khoản đạt một vài triệu đơn vị.
Tuy nhiên, một số mã đã đảo chiều hồi phục, ngược dòng thị trường chung thành công, đáng kể là CEO khi chốt phiên tăng 1,6% lên mức 18.500 đồng/CP, thanh khoản chỉ thua SHS với hơn 4,41 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trên UPCoM, thị trường cũng chìm trong sắc đỏ.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,89 điểm (-1,04%), xuống 85,05 điểm với 69 mã tăng và 151 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 16,7 triệu đơn vị, giá trị 264 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 14,74 triệu đơn vị, giá trị đạt 173,42 tỷ đồng, trong đó KLB thỏa thuận 13 triệu đơn vị, giá trị đạt 157,3 tỷ đồng.
Chỉ có 2 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị. Trong đó, BSR vẫn dẫn đầu với hơn 2,86 triệu đơn vị giao dịch thành công, chốt phiên giảm 1,5% xuống mức 20.300 đồng/CP, dù mở cửa mã này đã hồi nhẹ.
Tiếp theo là SBS đạt khối lượng giao dịch 1,05 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 4,1% xuống 7.000 đồng/CP. Ngoài ra, các mã chứng khoán khác trên UPCoM cũng giảm sâu như AAS giảm 3,2%, TCI giảm gần 2%.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn