Trong tuần qua, thông tin được giới đầu tư chú ý là số đợt IPO thấp kỷ lục trên TTCK Việt Nam kể từ đầu năm tới nay với vỏn vẹn 3 doanh nghiệp và số vốn huy động được đạt 7 triệu USD.
Nhìn trong mối tương quan với các thị trường Đông Nam Á, TTCK Việt Nam kém rất xa về số lượng và số tiền mà các doanh nghiệp huy động được qua các đợt IPO năm nay. Lý do dẫn tới sự “nghèo nàn” này không chỉ bởi sự bấp bênh của TTCK Việt Nam mà theo quan sát của giới chuyên gia, còn do quy trình phê duyệt niêm yết và IPO bị thắt chặt, bên cạnh đó là sự kém mặn mà của các nhà đầu tư nước ngoài khi họ liên tục rút ròng trên thị trường thứ cấp. Nhiều doanh nghiệp có kế hoạch IPO và gọi vốn qua TTCK đã phải tiếp tục trì hoãn chờ thời điểm thích hợp hơn.
So sánh với thị trường vốn Đông Nam Á có tới 153 đợt IPO với số tiền huy động được khoảng 5,5 tỷ USD, sẽ là một sự thiệt thòi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc đua huy động các nguồn lực vốn đã eo hẹp để tái cấu trúc và thúc đẩy sản xuất – kinh doanh trong bối cảnh môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế ngày càng khắc nghiệt. Hỗ trợ doanh nghiệp rộng cửa huy động vốn qua TTCK là điều cần thiết lúc này.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tài chính diễn ra ở Los Angeles (Mỹ) tuần qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tăng trưởng GDP Việt Nam cả năm 2023 ước đạt trên 5%, dự kiến năm 2024 tăng trưởng khoảng 6-6,5%. Việt Nam tiếp tục tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, bao gồm việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, phát triển toàn diện nguồn nhân lực và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế. Nhằm thực hiện những mục tiêu này, Việt Nam cần huy động cả nội lực và ngoại lực, từ đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài, phát triển các thị trường vốn, TTCK, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh chuyển đổi số.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ sự quan tâm về các thông tin liên quan đến triển vọng kinh tế Việt Nam, cơ chế ưu đãi thuế đối với nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại thị trường Việt Nam và chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là công tác nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Rõ ràng, việc được nâng hạng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho TTCK nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung, bao gồm thu hút dòng vốn ngoại gián tiếp; cải thiện khả năng định giá cổ phiếu, tác động tích cực đến quá trình cổ phần hoá của Chính phủ; gia tăng số lượng nhà đầu tư tổ chức có quy mô lớn, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư; thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài mới. Từ đó có ảnh hưởng tích cực đến tính thanh khoản của TTCK và sự phát triển của thị trường theo hướng tiếp cận các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế trong hoạt động doanh nghiệp, quản trị công ty.
Trên nền lãi suất thấp và chính sách tiền tệ nới lỏng, chứng khoán Việt Nam được nhận định sẽ có thêm những cơ hội đầu tư mới hấp dẫn. Song để TTCK Việt Nam trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn và kênh huy động vốn hữu ích cho doanh nghiệp, có vẻ như nội tại thị trường cần nhiều giải pháp và nỗ lực để không bị bỏ lại phía sau so với các thị trường khu vực.
Và không chỉ với dòng vốn ngoại, để hấp dẫn nhà đầu tư nội địa, tạo niềm tin cho dòng vốn tín dụng ngân hàng đối với các dự án đầu tư phát triển, các thành viên thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết cần tự làm mới mình, cải thiện “nội lực” để đủ sức đón nhận hiệu quả những dòng vốn đang có cơ hội rẻ hơn.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn