VN-Index tăng nhẹ; Kỳ vọng có thêm đợt hạ lãi suất điều hành; Chậm lại để… lấy đà!; Cổ phiếu thép vẫn “cứng”; Hiệu ứng chốt NAV; Nhu cầu tấm pin năng lượng mặt trời đang thắt chặt nguồn cung bạc…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 3/7 tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua và không đổi chiều bán trong ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày đã giảm 50.000 đồng/lượng và hiện đứng ở mức 66,40 – 67,02 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 11,7 USD lên 1.919,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng suy yếu và về gần 1.910 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,15 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 3/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.805 đồng/USD, tăng 5 đồng so với cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.480 – 23.820 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đứng tại 30.600 USD, thì sang phiên hôm nay đã nhích nhẹ và lên trên 30.700 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,94 USD (+1,33%), lên 71,58 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,99 USD (+1,13%), lên 76,26 USD/thùng.
VN-Index nhích nhẹ
Thị trường chung giao dịch khá ảm đạm và có phần đuối sức, khi thanh khoản sụt giảm mạnh và VN-Index chỉ nhích hơn 5 điểm đầy khó nhọc. Dù vậy, không phải không có điểm sáng, khi nhóm cổ phiếu chế biến thủy sản có mức tăng ấn tượng, vượt trội so với các nhóm ngành khác trên thị trường.
Trong đó, VHC dẫn đầu khi giữ vững mức giá trần 69.500 đồng, tiến gần mức đỉnh trong nửa đầu năm 2023 đã được xác lập vào đầu tháng 1/2023. Đặc biệt là giao dịch bùng nổ đã giúp thanh khoản VHC đạt cao nhất trong hơn 1 năm qua.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 1,2 triệu đơn vị, giá trị mua ròng đạt 126,1 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 3/7: VN-Index tăng 5,32 điểm (+0,47%), lên 1.125,5 điểm; HNX-Index giảm 0,72 điểm (-0,32%), xuống 226,6 điểm; UPCoM-Index giảm 0,23 điểm (-0,27%) xuống 85,77 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall tăng điểm vào ngày thứ Sáu (30/6) với những cổ phiếu công nghệ tiếp tục đà leo dốc.
Cổ phiếu Nvidia, một nhà sản xuất con chip trí tuệ nhân tạo, tăng 3,6% và từ đầu năm đã tăng gần 190%.
Các cổ phiếu khác trong phiên này như Netflix tăng 2,9%, Meta Platforms, Microsoft và Amazon tăng từ 1,6% đến 1,9%, cổ phiếu Apple tăng 2,3% để khép phiên ở mức vốn hoá thị trường trên 3.000 tỷ USD.
Trong tháng 6, Dow Jones tăng 4,6%, S&P 500 tăng 6,5%, Nasdaq Composite tăng 6,6%.
Trong quý II, Dow Jones tăng 3,4% và S&P 500 tăng 8,3%, cả hai đều có quý tăng thứ 3 liên tiếp, chỉ số Nasdaq Composite tăng 12,8% và nhận 2 quý tăng liên tiếp.
Kết thúc phiên 30/6, chỉ số Dow Jones tăng 285,18 điểm (+0,84%), lên 34.407,60 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 53,94 điểm (+1,23%), lên 4.450,38 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 196,59 điểm (+1,45%), lên 13.787,92 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản đóng cửa ở mức cao nhất trong 33 năm, dẫn đầu bởi cổ phiếu các nhà sản xuất máy móc.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,7% lên 33.753,33 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 1/1990. Chỉ số Topix tăng 1,41% lên 2.320,81 điểm.
“Các quỹ hưu trí đã hoàn thành việc tái cơ cấu danh mục đầu tư của họ trong ngày cuối quý II vừa qua và tiền mới đã được bơm vào thị trường, đó là một tín hiệu tích cực”, Shuji Hosoi, chiến lược gia cấp cao tại Daiwa Securities cho biết.
Cuộc khảo sát “tankan” hàng quý của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cho thấy tâm lý kinh doanh của Nhật Bản được cải thiện trong quý II, khi các công ty dự kiến sẽ tăng chi tiêu vốn và dự báo lạm phát sẽ ở trên mục tiêu 2% trong năm tới.
Phiên này, nhóm cổ phiếu các nhà sản xuất máy móc đã tăng 3,23% để trở thành ngành hoạt động tốt nhất trong số 33 chỉ số phụ trên Sở giao dịch chứng khoán Tokyo.
Theo đó, cổ phiếu nhà sản xuất máy điều hòa không khí Daikin Industries tăng 6,75% và Komatsu, nhà sản xuất máy móc xây dựng lớn thứ hai thế giới, tăng 2,01%.
Cổ phiếu liên quan đến chip cũng tăng, với nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron tăng 3,94% và nhà sản xuất thiết bị kiểm tra chip Advantest tăng 5,93%.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, với hy vọng nới lỏng chính sách nhiều hơn, sau khi ngân hàng trung ương nước này cho biết họ sẽ thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng một cách “chính xác và mạnh mẽ” để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và việc làm.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,31% lên 3.243,98 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,31% lên 3.892,88 điểm.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) thông báo sẽ sử dụng tốt hơn các công cụ chính sách tổng hợp và cơ cấu để ổn định tăng trưởng, việc làm, hỗ trợ hiệu quả nhu cầu trong nước.
“Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng PBOC sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) 25% và cắt giảm lãi suất chính sách 0,1% trong thời gian còn lại của năm để tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế”, Goldman Sachs cho biết.
Phiên này, thúc đẩy thị trường là cổ phiếu du lịch tăng 4,9%, ô tô tăng 3,7%, trong khi cổ phiếu hàng tiêu dùng thiết yếu và năng lượng tăng hơn 2% mỗi ngành.
Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi chặt chẽ quan hệ Trung Quốc-Mỹ, sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen sẽ tới Bắc Kinh từ ngày 6-9/7.
Chứng khoán Hồng Kông tăng mạnh nhất trong hai tuần nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ cũng như kỳ vọng những nỗ lực cải thiện quan hệ Mỹ-Trung.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 2,06% lên 19.306,59 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 2,58% lên 6.590,82 điểm.
Chỉ số công nghệ tăng 1,3% với những cổ phiếu lớn như Alibaba Group tăng 2,9% JD.com tăng 4,5% và Baidu tăng 4,6%.
Các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc tăng mạnh nhờ triển vọng tăng giá sau khi doanh số bán hàng tăng vọt trong tháng 6, với cổ phiếu Xpeng tăng 13,4% trong khi BYD tăng 3,6%.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng, được thúc đẩy bởi cổ phiếu các công ty công nghệ.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 38,19 điểm, tương đương 1,49% lên 2.602,47 điểm.
Động lực đến từ nhóm cổ phiếu công nghệ lớn như gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics tăng 1,11% và SK hynix tăng 2,08%.
Cổ phiếu các nhà sản xuất pin cũng đã nhảy vọt, sau một báo cáo cho biết Tesla đã giao số lượng xe tốt hơn mong đợi trong quý trước, với nhà sản xuất pin hàng đầu LG Energy Solution tăng 3,62% và Samsung SDI tăng 7,17%.
Kết thúc phiên 3/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 564,29 điểm (+1,70%), lên 33.753,33 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 41,91 điểm (+1,31%), lên 3.243,98 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 390,16 điểm (+2,06%), lên 19.306,59 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 39,19 điểm (+1,49%), lên 2.602,47 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
– Kỳ vọng có thêm đợt hạ lãi suất điều hành
Ông Lê Phước Hoài An, Giám đốc toàn quốc Khối Khách hàng doanh nghiệp MME, HSBC Việt Nam cho biết, hiện tại, các công ty có nền tảng kinh doanh tốt có thể tiếp cận lãi suất vay thấp hơn nhiều so với quý I/2023..>> Chi tiết
– Chậm lại để… lấy đà!
Những phiên cuối tháng 6, thị trường tiếp nối pha điều chỉnh khi chỉ số VN-Index gặp ngưỡng kháng cự 1.150 điểm và cũng đã có 7 phiên tăng liên tiếp trước đó..>> Chi tiết
– Cổ phiếu thép vẫn “cứng”
Nhiều cổ phiếu thép tăng giá mạnh, nhưng vẫn được xếp vào nhóm đầu tư có triển vọng trong nửa cuối năm 2023..>> Chi tiết
– Hiệu ứng chốt NAV
Dòng tiền tuần qua tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khi có sự hỗ trợ của yếu tố chốt giá trị tài sản ròng (NAV) cuối quý II/2023 từ các quỹ ETF..>> Chi tiết
– Nhu cầu tấm pin năng lượng mặt trời đang thắt chặt nguồn cung bạc
Những thay đổi đối với công nghệ tấm pin năng lượng mặt trời đang thúc đẩy nhu cầu về bạc. Đây là một hiện tượng làm gia tăng thâm hụt nguồn cung đối với kim loại này..>> Chi tiết
Theo tinnhanhchungkhoan.vn