Ông Trần Văn Hiệp đề nghị Công ty TNHH Thùy Dương tăng cường máy móc, nhân công đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành các hạng mục chính dự án nâng cấp, phục hồi cảnh quan khu du lịch hồ Than Thở trong tháng 12-2023.
Thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng, sau buổi kiểm tra thực địa nhiều dự án tại TP Đà Lạt, trong đó có dự án nâng cấp, phục hồi cảnh quan khu du lịch hồ Than Thở (dự án hồ Than Thở), ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã ban hành chỉ đạo thúc đẩy tiến độ các dự án.
Ông Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đi kiểm tra thực địa dự án cải tạo, phục hồi cảnh quan khu du lịch hồ Than Thở vào ngày 4-4. Ảnh: D.Thành
Khi Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng kiểm tra thực địa tại dự án hồ Than Thở, đại diện chủ đầu tư là Công ty TNHH Thùy Dương báo cáo đã nạo vét lòng hồ khoảng 133.000 m3 – đạt 93%, khối lượng còn lại sẽ hoàn thành vào tháng 4-2023. Tiếp tục triển khai hạng mục nâng cấp bờ kè trị giá 84 tỉ đồng. Đại diện doanh nghiệp cam kết với lãnh đạo tỉnh sẽ hoàn thành dự án vào cuối tháng 12-2024.
Ông Trần Văn Hiệp yêu cầu Công ty TNHH Thùy Dương đôn đốc đơn vị thi công tăng cường máy móc, nhân công đẩy nhanh hơn nữa tiến độ triển khai dự án. Trong đó, thực hiện đồng thời việc thi công các hạng mục với việc hoàn thiện hồ sơ thủ tục trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh dự án theo quy định.
“Đảm bảo mục tiêu hoàn thành các hạng mục chính của dự án trong tháng 12-2023 và đưa vào hoạt động, đón khách tham quan du lịch trước Tết Âm lịch 2024”, ý kiến chỉ đạo của ông Trần Văn Hiệp nêu.
Lãnh đạo UBND tỉnh lưu ý cần tính toán tăng thêm số lượng và chủng loại cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng TP Đà Lạt để tạo điểm nhấn cho khu du lịch hồ Than Thở khi đưa vào khai thác. Chủ đầu tư còn phải gắn bảng thông tin dự án, xử lý phế thải xây dựng đúng quy định để không ảnh hưởng môi trường và người dân sống gần dự án.
Bên cạnh đó, ông Hiệp cũng giao UBND TP Đà Lạt chỉ đạo các đơn vị cấp dưới tăng cường kiểm tra, giám sát môi trường, tuyệt đối không để xảy ra lấn chiếm đất thắng cảnh quốc gia hồ Than Thở, ngăn chặn và xử lý triệt để những vi phạm gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.
Hồ Than Thở đang được nạo vết, xử lý rác thải ùn ứ. Ảnh: D.Thành
Hồ Than Thở được công nhận là thắng cảnh quốc gia vào năm 1998, cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 7 km, thuộc phường 9 và 12. Khu Du lịch hồ Than Thở do Công ty TNHH Thùy Dương quản lý bao gồm hồ Than Thở rộng khoảng 9 ha, đồi Phật Bà và đồi Tùng Nguyên (thường được gọi là Đồi Thông Hai Mộ).
Sau nhiều năm, hồ Than Thở bắt đầu bị đất đá bồi lắng, chỉ còn hơn nửa diện tích ban đầu, nước hồ dần đổi màu vì ô nhiễm, rác thải sinh hoạt, túi đựng thuốc bảo vệ thực vật từ khắp nơi bị vứt xuống hồ. Cảnh quan xuống cấp khiến nhiều người dân Đà Lạt gọi hồ Than Thở thành hồ đang “thở than”
Năm 2010, UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án nâng cấp, phục hồi cảnh quan khu du lịch hồ Than Thở cho Công ty TNHH Thùy Dương với quy mô 118 ha, trong đó khu vực bảo vệ I là 31,5 ha , khu vực bảo vệ II là 86,5 ha.
Tổng mức đầu tư ban đầu dự án hơn 29,6 tỉ đồng thực hiện trong 3 năm 2010 đến 2013. Đến nay, quy mô dự án đã lên tới 1.093 tỉ đồng, trong đó vốn chủ đầu tư 165 tỉ đồng và vốn vay gần 929 tỉ đồng.
Ngoài chỉ đạo đôn đốc liên quan đến khu du lịch hồ Than Thở, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng giao các sở ngành, đơn vị liên quan đôn đốc tiến độ triển khai các dự án gồm: duy tu sửa chữa đường Trần Quang Diệu, nâng cấp mở rộng đường Mê Linh, nâng cấp đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn, lắp đặt camera giao thông – đèn tín hiệu – mở rộng nút giao tại một số tuyến đườngBế tắc dự án hỗ trợ hoàn vốn cao tốc Hà Nội – Hải Phòng
Theo Cafef