Động thái thoái vốn ồ ạt của lãnh đạo diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu DDG đang gây chú ý với chuỗi lao dốc mạnh nhất trong lịch sử niêm yết.
DDG:
Giá hiện tại
Thay đổi
Xem hồ sơ doanh nghiệp
Lãnh đạo và người nhà dồn dập thoái vốn
Mới đây, một loạt lãnh đạo và người thân của CTCP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương (Indochine Imex, mã DDG) đăng ký bán lượng lớn cổ phiếu trong khoảng thời gian từ 10/5-5/6/2023.
Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Quang – Chủ tịch HĐQT 2 lần đăng ký bán cổ phiếu với số lượng lần lượt là 324.000 cổ phiếu và 908.000 cổ phiếu với lý do tài chính cá nhân. Nếu hoàn tất cả hai giao dịch trên, ông Quang sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ xuống 2,88 triệu cổ phiếu, tương đương 4,81% vốn DDG. Trước đó, vào ngày 27/4, Ông Quang cũng bị Chứng khoán BSC bán giải chấp 91.000 cổ phiếu DDG.
Tương tự, bà Trần Kim Sa – Thành viên HDQT kiêm Tổng Giám đốc đăng ký bán thêm 498.500 cổ phiếu nhằm giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thoả thuận/ khớp lệnh từ 10/5 đến 5/6. Nếu giao dịch thành công, bà Sa sẽ giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ còn 3,17 triệu cổ phiếu (~5,3% vốn). Trước đó, bà Sa cũng bị Chứng khoán BSC bán giải chấp lần lượt 107.500 nghìn cổ phiếu và 46.500 cổ phiếu.
Trong khi đó, ông Yang Tuấn Anh – Phụ trách quản trị công ty, đồng thời là con ruột bà Trần Kim Sa cũng đăng ký bán hơn 1 triệu cổ phiếu DDG trên tổng 2 triệu cổ phiếu đang nắm giữ. Bà Yang Kiều An – con ruột bà Trần Kim Sa cũng đăng ký bán sạch 476 nghìn cổ phiếu để giảm sở hữu về 0%.
Cùng chiều giao dịch, ông Trần Kim Cương – Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc đăng ký bán 500.000 cổ phiếu với lý do tài chính cá nhân. Ông Cương đồng thời là em trai bà Trần Kim Sa – Tổng Giám đốc công ty. Sau giao dịch, lượng cổ phiếu nắm giữ của vị lãnh đạo này là 1,9 triệu cổ phiếu DDG, tương đương 3,28% vốn.
Bà Trần Ngọc Phụng – vợ ông Trần Kim Cương đăng ký bán toàn bộ 2,7 triệu cổ phiếu nắm giữ với lý do tương tự.
Cổ phiếu sàn 17 phiên liên tiếp
Đáng chú ý, động thái thoái vốn ồ ạt của lãnh đạo diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu DDG đang gây chú ý với chuỗi lao dốc mạnh nhất trong lịch sử hoạt động.
Tính đến phiên 5/5 cổ phiếu DDG đã ghi nhận phiên giảm sàn thứ 17 liên tiếp về 7.300 đồng. Khối lượng khớp lệnh lên đến hàng triệu đơn vị, song dư bán sàn chất hơn 21 triệu cổ phiếu, tương đương 35% tổng lượng cổ phiếu lưu hành của công ty.
Chỉ sau hơn 2 tuần giao dịch, thị giá DDG đã “bốc hơi” đến 83% giá trị về mức thấp nhất trong lịch sử niêm yết của cổ phiếu này. Giá trị vốn hoá bị thổi bay khoảng 2.035 tỷ đồng, chỉ còn vỏn vẹn 436 tỷ đồng.
Trên thực tế, từ sau khi lên sàn cuối năm 2018, DDG gần như chỉ tăng mà không có nhịp điều chỉnh nào thực sự đáng kể. Ngay cả trong giai đoạn thị trường chứng khoán liên tục gặp sóng gió trong năm 2022, cổ phiếu này vẫn âm thầm đi lên và liên tục lập đỉnh mới. Vì thế, cú trượt chân ngay vùng đỉnh lịch sử có thể phần nào gây bất ngờ cho giới đầu tư cũng như cổ đông.
Đi kèm với đà lao dốc trên sàn chứng khoán, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này cũng không mấy khả quan. Kết thúc quý 1/2023, DDG ghi nhận doanh thu thuần đạt 159 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ.
Mặc dù doanh thu tài chính tăng mạnh lên 540 triệu đồng, chi phí tài chính giảm 23%. Tuy nhiên, chi phí bán hàng lại tăng đột biến từ 1,8 triệu đồng lên 3,2 tỷ đồng trong quý này, nguyên nhân là do phát sinh khoản chi phí khấu hao tài sản cố định 3 tỷ đồng.
Kết quả, DDG báo lãi sau thuế đạt vỏn vẹn 197 triệu đồng, giảm 99% so với khoản lãi 13,7 tỷ đồng đạt được trong quý 1/2022. Đây là mức lãi theo quý thấp nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.
Fed tăng lãi suất đúng như kỳ vọng, vì sao VN-Index vẫn lao dốc?
Theo Cafef