Việc triển khai Dự án Lô B – Ô Môn là một nhiệm vụ cần thiết và cấp bách để đảm bảo an ninh năng lượng. Dự án này mang tính chất dài hạn và có thể là điểm nhấn cho nhóm cổ phiếu dầu khí trong thời gian tới.
Tuần qua, chỉ số ghi nhận 3 phiên đầu tăng điểm liên tiếp với biên độ hẹp nhưng đột ngột giảm mạnh ở hai phiên cuối tuần. Dù vậy, không có những tín hiệu cho thấy tâm lý hoảng loạn hay đà bán tháo xuất hiện trên thị trường. Đâu là góc nhìn của ông/bà trong tuần giao dịch tới, cũng là đầu tiền của tháng 7?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư, CTCK Agriseco
Áp lực bán trong 2 phiên cuối tuần theo tôi chủ yếu mang tính kỹ thuật chốt lời ngắn hạn sau những tuần tăng điểm vừa qua. Trong tuần tới, tôi nghiêng về kịch bản VN-Index sẽ biến động quanh vùng 1.115 – 1.125 điểm với thanh khoản thấp trong các phiên đầu tuần trước khi hồi phục lại vùng 1.130 – 1.140 điểm trong các phiên cuối tuần.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Thị trường vừa khép lại nửa đầu năm 2023 với 2 tháng tăng liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 9 năm ngoái. Kết thúc quý 2, chỉ số VN-Index tăng 5,2% lên mức 1.120,18 điểm, đánh dấu quý tăng thứ 2 liên tiếp.
Kể từ đầu năm đến nay, chỉ số VN-Index đã tăng 11,23%, là thị trường tăng tốt nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ đứng sau các thị trường lớn khác ở châu Á như: Nhật Bản, Đài loan và Hàn Quốc.
Xét theo góc độ tuần, đây lại là tuần giảm đầu tiên sau chuỗi tăng 4 tuần liên tiếp và cũng là tuần giảm thứ 2 trong vòng 8 tuần trở lại đây. Thanh khoản theo tuần cũng có dấu hiệu đạt đỉnh ngắn hạn khi giảm sang tuần thứ 2 liên tiếp. Do vậy, diễn biến trong tuần giao dịch tới, cũng là tuần đầu tiên của tháng 7, thị trường có khả năng chỉ giằng co đến điều chỉnh khi nhà đầu tư đánh giá loạt dữ liệu vĩ mô 6 tháng đầu năm, bên cạnh đó là mùa báo cáo thu nhập bán niên.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng thị trường có thể sẽ hồi phục trong phiên giao dịch đầu tuần khi xu hướng ngắn hạn của các chỉ số chứng khoán Mỹ đã quay trở lại mức tích cực, nhưng rủi ro ngắn hạn của TTCK Việt Nam vẫn ở mức cao cho nên thị trường có thể vẫn còn chịu áp lực điều chỉnh trong tuần tới. Nếu chỉ số VN-Index đóng cửa vẫn trên mức 1.120 điểm tại các phiên điều chỉnh trong tuần tới thì xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn ở giai đoạn tăng.
Ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc tư vấn đầu tư của CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Thị trường đi vào vùng kháng cự tiếp theo 1130-1150 nên cũng đã có dấu hiệu chậm lại từ trước đó nên việc điều chỉnh về mặt kỹ thuật là có thể giải thích được.
Về trung hạn xu hướng vẫn là tích cực tuy vậy ngắn hạn vẫn có thể sẽ có những rung lắc, điều chỉnh tại khu vực này. Do vậy tuần mới thị trường khả năng có những phiên tăng giảm xen kẽ điều chỉnh trước khi xu hướng tích cực quay trở lại.
Ông Phan Dũng Khánh |
Dòng tiền có phần thận trọng hơn ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ và có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (VNM, HPG) và nhóm Ngân hàng (CTG, MBB) khi có sự hỗ trợ của yếu tố chốt NAV cuối tháng 6. Tháng 7 cũng là tháng công bố kết quả kinh doanh quý 2 của DNNY nên khả năng sự phân hoá sẽ rõ nét hơn trong những tuần tới. Trong góc nhìn của ông/bà, sự phân hoá xảy ra theo hướng như thế nào?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư, CTCK Agriseco
Trong bối cảnh số liệu vĩ mô cũng như kết quả kinh doanh nửa đầu năm không quá tích cực, nhiều doanh nghiệp thua lỗ hoặc kết quả thấp; dòng tiền thường nhắm tới nhóm cổ phiếu ngân hàng, bluechip hoặc đầu ngành, thương hiệu tốt. Điều này khả năng cao sẽ tiếp diễn trong tháng 7, đặc biệt đối với dòng tiền mới tham gia/quay lại thị trường.
Bên cạnh đó, một số cổ phiếu vốn hóa thấp có kết quả kinh doanh mang yếu tố đột biến và có yếu tố tạo lập cũng khả năng có sóng, nhưng không bền vững.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Thị trường đã tăng 2 tháng liên tiếp nên giá cổ phiếu cũng phản ánh kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý 2 vừa qua như: nhóm chứng khoán, xây dựng và vật liệu xây dựng, dược phẩm… có những cố phiếu đã vượt đỉnh kể từ đầu năm và mạnh hơn thị trường chung. Ngược lại, các doanh nghiệp xuất khẩu, bất động sản, bán lẻ… khả năng sẽ không mấy tích cực.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Dòng tiền có sự dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong vài phiên gần đây, nhưng sự dịch chuyển này chưa hoàn toàn rõ ràng và tôi nhận thấy dòng tiền vẫn lan tỏa đều giữa các nhóm cổ phiếu.
Thị trường sắp bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh, nhưng tôi cho rằng bức tranh kết quả kinh doanh vẫn chưa thể cải thiện mạnh khi tăng trưởng GDP quý 2/2023 vẫn ở mức thấp so với lịch sử qua các năm.
Tuy nhiên, điểm tích cực là lãi suất đã giảm trong thời gian qua cũng là yếu tố hỗ trợ trực tiếp đến nhiều nhóm ngành cho nên tôi kỳ vọng dòng tiền có thể sẽ phân hóa vào các nhóm cổ phiếu, trong đó có nhóm chứng khoán, bất động sản, bán lẻ, xây dựng và vật liệu xây dựng, sản xuất thực phẩm không thiết yếu.
Ông Nguyễn Thế Minh |
Ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc tư vấn đầu tư của CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Do Index đang có sự điều chỉnh ở kháng cự nên các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, bluechip ở các nhóm tài chính ngân hàng chứng khoán khó có cơ hội đột phá trong ngắn hạn. Các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, penny có nhiều cơ hội trong ngắn hạn hơn trước khi các nhóm bluechip, vốn hóa lớn tích lũy đủ để giúp thị trường đi lên.
Dù mặt bằng lãi suất đã có phần hạ nhiệt, nhưng thực tế dòng tiền mới đổ vào kênh chứng khoán chưa thực sự sôi động. Cuối tháng 6/2023 cũng là thời điểm đáo hạn các khoản tiền gửi lãi suất cao từ cuối 2022 nên khi dòng tiền này được đáo hạn thì sẽ có 1 hiện tượng FOMO chuyển từ tiết kiệm đẩy vào mua cổ phiếu. Đâu là quan sát của ông về dòng tiền mới?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư, CTCK Agriseco
Dòng tiền mới có xu hướng mua khá chủ động, tập trung vào nhóm cổ phiếu đầu ngành, thương hiệu tốt, thị giá ở mức vừa phải. Với xu hướng giảm lãi suất đang diễn ra khá rõ ràng, dòng tiền khả năng cao sẽ tiếp đà dịch chuyển mạnh từ kênh tiền gửi sang kênh chứng khoán và là động lực quan trọng hỗ trợ thị trường trong giai đoạn nửa cuối năm.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Theo số liệu thống kê, thanh khoản quý II tăng gần 39% so với bình quân ở quý I, dòng tiền đổ vào thị trường có những phiên đã đạt mức 26.000 – 27.000 tỷ đồng ở tháng 6 vừa qua, đưa mức thanh khoản bình quân tháng 6 đạt gần 20.000 tỷ đồng, gấp đôi so với cuối quý I.
Như vậy, dòng tiền đã quay lại với kênh chứng khoán và rất sôi động khi NHNN đã 4 lần hạ các mức lãi suất điều hành, các khoản tiền gửi tiết kiệm lãi suất cao cuối năm 2022 cũng đáo hạn vào thời điểm cuối tháng 6.
Tôi cho rằng, với các chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, xu hướng giảm lãi suất đã được định hình, kênh chứng khoán sẽ tiếp tục là vùng trũng thu hút dòng tiền.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Khi lãi suất huy động giảm mạnh về lại thời điểm trước dịch Covid-19 thì tôi kỳ vọng dòng tiền từ kênh tiết kiệm có thể dịch chuyển sang chứng khoán.
Tuy nhiên, với bối cảnh bức tranh kinh tế chưa thể hồi phục và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng âm hay đi ngang, dòng tiền vẫn có thể còn thận trọng với xu hướng thị trường, đặc biệt Fed vẫn còn có khả năng tăng lãi suất trong thời điểm 6 tháng cuối năm.
Như vậy, dòng tiền có khả năng dịch chuyển một phần sang kênh chứng khoán và tăng dần tỷ trọng đầu tư vào chứng khoán khi kinh tế bắt đầu hồi phục nhờ vào các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.
Ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc tư vấn đầu tư của CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Dòng tiền mới rõ ràng có từ khá nhiều nguồn không chỉ gửi tiết kiệm, hiện trừ chứng khoán ra các kênh đầu tư khác đều yếu (như vàng) hoặc kém (như bất động sản) cũng giúp dòng tiền đổ vào chứng khoán, thanh khoản tăng liên tục minh chứng cho việc có dòng tiền mới đặc biệt từ các nhà đầu tư cá nhân.
Số lượng mở tài khoản mới chỉ tính trong tháng 5 đã cao nhất nhiều tháng qua, gấp 5 lần tháng 4 và vượt hơn 100k tài khoản sau nhiều tháng nằm dưới số này.
Sau nhịp phục hồi, nhiều cổ phiếu nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán có sự điều chỉnh, không nằm ngoài biến động đảo chiều của thị trường. Ông nhìn nhận như thế nào về cơ hội đối với nhóm cổ phiếu này ở thời điểm hiện tại?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư, CTCK Agriseco
Ông Nguyễn Anh Khoa |
Hai nhóm này có độ biến động (beta) cao so với thị trường và kết quả kinh doanh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, do vậy việc giao dịch nên tập trung vào ngắn hạn thay vì nắm giữ dài hạn sẽ có độ rủi ro cao hơn.
Nhìn chung, kết quả kinh doanh nhóm chứng khoán quý II này sẽ tương đối tốt do thị trường tăng điểm và thanh khoản cũng dần được cải thiện, hỗ trợ cho mảng tự doanh và môi giới.
Mặt bằng định giá nhóm chứng khoán cũng không cao và có dư địa tăng điểm. Đối với nhóm bất động sản thì tôi không kỳ vọng nhiều vào kết quả kinh doanh năm nay, các chính sách hỗ trợ cũng cần thêm thời gian để thẩm thấu và việc giao dịch sẽ mang tính đầu cơ theo tin tức là chính.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Như đã phân tích ở trên, phía trước là mùa báo cáo thu nhập bán niên, nhóm cổ phiếu chứng khoán sẽ nhiều lợi thế hơn nhờ chỉ số VN-Index đã tăng 2 quý liên tiếp, thanh khoản quý II cũng tăng gần 40% so với quý I.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng nhóm chứng khoán và bất động sản là những nhóm cổ phiếu chịu tác động trực tiếp tích cực từ động thái giảm lãi suất liên tục của NHNN cho nên xu hướng tăng trung hạn của hai nhóm bất động sản và chứng khoán có thể sẽ còn duy trì kéo dài trong 6 tháng cuối năm.
Ngoài ra, với hàng loạt các động thái gỡ khó cho thị trường bất động sản, tôi kỳ vọng nhóm bất động sản sẽ dần cải thiện tích cực hơn về kết quả kinh doanh từ cuối năm 2023 và dần tăng trưởng trở lại trong năm 2024.
Ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc tư vấn đầu tư của CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Cổ phiếu nhóm này đặc biệt là nhóm bất động sản dù gặp nhiều bất lợi từ năm ngoái tới nay, nhưng đến nay lại là nhóm có tiềm năng tốt do nhiều nhóm khác đã tăng khá nhiều, thậm chí một số còn x2-x3 từ đáy.
Tuy vậy, nhóm bất động sản vẫn có nhiều cổ phiếu (thậm chí đầu ngành) vẫn còn ở chân sóng do đó tiềm năng tăng giá cao hơn đặc biệt trong dài hạn. Do vậy việc điều chỉnh sẽ là cơ hội tích lũy, tiết kiệm vào nhóm trên tuy vậy sẽ phù hợp cho các nhà đầu tư trung dài hạn trở lên.
Cũng liên quan đến chuyển động nhóm cổ phiếu, dầu khí đang là nhóm ngành chịu ảnh hưởng từ các tin tức xung quanh dự án Lô B – Ô Môn nên dòng tiền có sự suy giảm và tâm lý cổ đông cũng trở nên thận trọng hơn. Với nhóm cổ phiếu dầu khí, có gì đáng lưu tâm nếu đầu tư ở thời điểm này, theo các ông/bà?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư, CTCK Agriseco
Nhóm cổ phiếu dầu khí có đặc thù biến động phụ thuộc vào giá dầu thế giới, còn kết quả kinh doanh phụ thuộc nhiều vào các hợp đồng ký kết cũng như tiến độ các đại dự án đang triển khai. Do vậy, việc dự báo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dầu khí đối với nhà đầu tư bên ngoài là việc khó khăn.
Nhà đầu tư nên xem xét mặt bằng định giá cổ phiếu so với chính lịch sử cổ phiếu đó, các thông tin kết quả kinh doanh và kế hoạch kinh doanh công bố cũng như xem đà tăng giá dầu trong tuần/tháng vừa rồi trước khi giải ngân sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Các chỉ báo kỹ thuật như RSI, MA cũng hữu ích khi đưa quyết định giải ngân, giai đoạn này nên tránh những cổ phiếu trong vùng quá bán hoặc thủng đường MA ngắn hạn.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Ông Ngô Quốc Hưng |
Một số cổ phiếu dầu khí đã có kết quả kinh doanh, giá cổ phiếu cũng đã phản ánh những thông tin này, trong khi đó dự án Lô B mang tính dài hạn và câu chuyện này sẽ tiếp tục là điểm nhấn cho nhóm cổ phiếu dầu khí trong thời gian sắp tới.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Việc triển khai dự án Block B Ô Môn được xem là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách để đảm bảo an ninh năng lượng cho nên tôi đánh giá nhóm cổ phiếu dầu khí sẽ được hưởng lợi trực tiếp khi triển khai dự án này, đặc biệt là nhóm dịch vụ dầu khí. Do đó, tôi cho rằng các nhà đầu tư có thể chú ý nhóm cổ phiếu dịch vụ dầu khí cho mục tiêu đầu tư trong 6 tháng cuối năm 2023.
Ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc tư vấn đầu tư của CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Cổ phiếu dầu khí đã tăng khá mạnh thời gian qua, cũng được xem là nhóm dẫn dắt thị trường vượt qua kháng cự 1.080-1.100 trước đó khi thị trường đi ngang suốt 4 tháng sau Tết. Vì vậy trước kháng cự mới cũng như việc nhiều mã đã kịp x2 trong 6 tháng qua nên việc điều chỉnh ngắn hạn cũng là dễ hiểu.
Về trung dài hạn cần chú ý là nhóm này cũng đã tăng mạnh trong thời gian qua làm giảm sự hấp dẫn nên dòng tiền có thể tìm cơ hội tốt hơn ở nhóm khác như bất động sản còn ở chân sóng. Do đó có thể ảnh hưởng phần nào đến sự tích cực hiện tại, nghĩa là mức độ tăng trưởng về giá có thể bị giảm đi.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn